A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 693/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

(binhdinh.gov.vn) - Thực hiện Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 17/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 72-KL/TW ngày 23/02/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, ngày 30/8/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định này.

Cầu vượt biển Đề Gi (Ảnh: DŨNG NHÂN)

Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được xác định tại Quyết định số 693/QĐTTg ngày 17/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ, để thống nhất về nhận thức và hành động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi những mục tiêu, định hướng đã đề ra trong công tác về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Kế hoạch xác định những nhiệm vụ chủ yếu trong triển khai thực hiện Quyết định số 693/QĐ-TTg gồm: phát triển hạ tầng giao thông; phát triển hạ tầng cung cấp điện; phát triển hạ tầng thuỷ lợi, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển hạ tầng đô thị; phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; phát triển hạ tầng logistics và hạ tầng dịch vụ thương mại; phát triển hạ tầng thông tin; phát triển hạ tầng giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; phát triển hạ tầng y tế; phát triển hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch; phát triển hạ tầng nông thôn mới.

Để triển khai thực hiện Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 17/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu quả, UBND tỉnh đề nghị các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện 5 nhóm giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Công tác tuyên truyền vận động phát triển kết cấu hạ tầng

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phù hợp để nâng cao nhận thức của cán bộ, Nhân dân trong tỉnh về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, là sự nghiệp chung, vừa là lợi ích, vừa là nghĩa vụ của toàn xã hội, để mọi người dân ủng hộ tham gia đóng góp và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trước hết là trong thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng; đồng thời qua công tác tuyên truyền vận động để tạo sự đồng thuận thống nhất cao của các cấp, các ngành và Nhân dân về chủ trương đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức xã hội hóa và đối tác công tư.

2. Giải pháp về cơ chế chính sách

Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực để thu hút thêm các nguồn lực, nhất là cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích thu hút nguồn vốn tư nhân hóa đầu tư kết cấu hạ tầng.

Đẩy mạnh phân cấp trong đầu tư, tăng cường tính tự chủ gắn với trách nhiệm, quyền hạn của từng cấp trong việc thực hiện quản lý đầu tư vốn ngân sách Nhà nước, tạo tính chủ động cân đối nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Rà soát, kiến nghị điều chỉnh các cơ chế, chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, rút ngắn thời gian quy trình giải tỏa đền bù; chú trọng chính sách có liên quan đến dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho người dân sau khi bị thu hồi đất. Tăng cường học tập các mô hình, phương pháp hiệu quả trong công tác vận động, giải thích, thuyết phục, tạo sự đồng thuận của Nhân dân ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong quá trình triển khai các dự án, nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

3. Nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng cơ bản để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư

Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và các quy hoạch có liên quan đến đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh.

Rà soát, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách của tỉnh gắn với việc triển khai thực hiện mục tiêu, định hướng về phát triển xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại theo Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 17/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là cơ chế, chính sách về quy hoạch, đầu tư công, xây dựng; đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, thi công các công trình, dự án.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, nhất là nâng cao chất lượng các khâu thẩm định dự án, thẩm định thiết kế - dự toán bảo đảm thời gian quy định; tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng, sớm đưa vào khai thác sử dụng và quản lý có hiệu quả.

Nâng cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, các đơn vị chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển. Tăng cường công tác giám sát đầu tư, kiểm tra, thanh tra, phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm, định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. Thực hiện tốt việc duy tu, bảo dưỡng, bảo trì công trình xây dựng để phát huy tính năng sử dụng, duy trì độ bền vững và bảo đảm cảnh quan môi trường.

4. Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, nguồn lực đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên phân bổ vốn ngân sách nhà nước cho công trình, dự án quan trọng, tác động liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững và các công trình, dự án không có khả năng thu hồi vốn hoặc khó thu hút đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước; coi trọng xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, CCN, hạ tầng dịch vụ - du lịch, văn hóa - xã hội... Tiếp tục huy động hợp lý nguồn vốn ODA, các khoản vay ưu đãi gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng.

Xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm đảm bảo từng bước hiện thực hóa hệ thống kết cấu hạ tầng theo quy hoạch; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, nhất là các dự án phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đi trước một bước; tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng, khu vực, thu hẹp khoảng cách vùng miền, mở rộng không gian, tạo động lực tỉnh phát triển.

Tăng cường cải cách hành chính, tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh để huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng để khai thác tốt nhất nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển, trong thời gian tới tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Tăng cường kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án dự kiến ưu tiên thực hiện trong Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư theo hướng trực tiếp mời gọi các nhà đầu tư chiến lược là các Tập đoàn lớn, các Tổng công ty hàng đầu, có uy tín để đầu tư phát triển khu cụm công nghiệp, phát triển các khu đô thị và các lĩnh vực tỉnh có lợi thế. Đồng thời, coi trọng và làm tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai để tạo hiệu ứng lan tỏa, có tác động tích cực tới việc thu hút các nhà đầu tư mới.

5. Phát triển kết cấu hạ tầng gắn với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo đồng bộ giữa các lĩnh vực hạ tầng. Tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển hạ tầng thuỷ lợi theo hướng đa mục tiêu, bảo đảm an ninh nguồn nước, hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão gắn với phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu./.


Tác giả: Minh Anh

Tin nổi bật Tin nổi bật