A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phê duyệt Đề án phát triển làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tam Quan Nam

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 26/8/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3038/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tam Quan Nam.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: tamquannam-hoainhon.binhdinh.gov.vn)

Mục tiêu chung của Đề án là duy trì và phát triển làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng, bún số 8 Tăng Long 1; thúc đẩy phát triển sản xuất sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường, cảnh quan gắn với phát triển du lịch để quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm làng nghề, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2024 - 2025 là: Tập trung hình thành ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm của làng nghề bền vững, có đơn vị chủ trì liên kết là hợp tác xã/tổ hợp tác/doanh nghiệp/hộ kinh doanh có năng lực đứng ra làm đại diện đầu mối thu mua, tiêu thụ sản phẩm (sản phẩm phải có nhãn hiệu, bao bì nhãn mác quy cách đảm bảo quy định), đưa sản phẩm bún số 8 Tam Quan Nam tham gia sàn thương mại điện tử, mạng xã hội… Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng làng nghề khu trưng bày sản phẩm (bao gồm: cổng làng nghề, nhà trưng bày, bãi đậu xe, ...). Phát triển nhãn hiệu Bún số 8 được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể năm 2018; vận động các hộ sản xuất bánh tráng nước dừa trong làng nghề sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Bánh tráng nước dừa Tam Quan. Hướng dẫn các cơ sở làng nghề đăng ký công nhận sản phẩm OCOP địa phương. Đầu tư hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường làng nghề đảm bảo theo quy định. Tập huấn đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng cho các hộ sản xuất, phát triển du lịch tại làng nghề. Xây dựng cảnh quan môi trường, trồng cây xanh, trồng hoa các tuyến đường phù hợp; trồng cây bản địa, đặc trưng của địa phương. Phối hợp thực hiện kế hoạch phát triển du lịch làng nghề theo kế hoạch phát triển du lịch chung của tỉnh, thị xã; hàng năm thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch tham quan, trải nghiệm hoạt động du lịch tại làng nghề.

Giai đoạn 2026-2030, mở rộng sản xuất, tăng từ 5% số hộ tham gia sản xuất trong làng nghề. Phát triển ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất, đồng thời duy trì giữ gìn các dụng cụ, sản xuất thủ công ở các hộ sản xuất để tạo tiền đề phát triển du lịch. Tăng doanh thu bán hàng của làng nghề qua hoạt động thương mại điện tử. Hình thành vùng sản xuất tập trung, xây dựng kho đóng gói sản phẩm, nhà trưng bày sản phẩm của làng nghề phục vụ sản xuất kinh doanh của các hộ trong làng nghề. Hoàn chỉnh cảnh quan, không gian, môi trường làng nghề sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh. Phối hợp thực hiện kế hoạch phát triển du lịch làng nghề theo kế hoạch phát triển du lịch chung của tỉnh, thị xã. Hỗ trợ gia hạn đối với nhãn hiệu tập thể “Bún số 8 Tam Quan Nam”. Hình thành 01 tổ hợp tác phát triển du lịch làng nghề.

Giai đoạn sau năm 2030, phát triển du lịch làng nghề theo kế hoạch phát triển du lịch chung của tỉnh, thị xã.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thực hiện công tác quản lý nhà nước về làng nghề, phối hợp sở, ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ địa phương triển khai Đề án đảm bảo quy định, thực hiện có hiệu quả.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thị xã Hoài Nhơn và các cơ quan, đơn vị liên quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét bố trí vốn đầu tư công hoặc lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án khác để hỗ trợ thực hiện các hạng mục đầu tư thuộc Đề án theo quy định.

Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan có liên quan cân đối, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét bố trí kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành và đảm bảo khả năng cân đối ngân sách trong giai đoạn hiện nay theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước.

Sở Du lịch tổ chức các lớp truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân tại làng nghề về phát triển du lịch dựa vào công đồng; kiến thức cơ bản trong quá trình tiếp đón khách du lịch. Phối hợp với địa phương trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với việc giới thiệu làng nghề, sản phẩm thủ công làng nghề, đầu tư phát triển các tuyến, điểm du lịch hiện có.

Sở Công Thương phối hợp với địa phương xây dựng, tổng hợp kinh phí thực hiện Đề án có liên quan vào dự toán kinh phí thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh để tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của Sở Công Thương, gửi Sở Tài chính cân đối, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

UBND thị xã Hoài Nhơn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp hỗ trợ UBND phường Tam Quan Nam triển khai thực hiện Đề án đảm bảo chất lượng. Trong quá trình thực hiện có phát sinh thay đổi, trên cơ sở đề xuất của UBND phường Tam Quan Nam, UBND thị xã Hoài Nhơn kiểm tra, rà soát đề xuất điều chỉnh nội dung Đề án phù hợp nhu cầu phát triển làng nghề của địa phương. Ưu tiên nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ phường Tam Quan Nam triển khai thực hiện các nội dung mục tiêu Đề án được phê duyệt. Ngoài ra, UBND thị xã Hoài Nhơn phối hợp Mặt trận, các hội đoàn thể của thị xã chỉ đạo các cấp hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện Đề án phát triển làng nghề truyền thống được phê duyệt, góp phần bảo tồn phát huy bản sắc, giá trị văn hóa địa phương./.


Tác giả: Minh Anh

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật