A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phê duyệt Phương án ứng phó thiên tai tỉnh Bình Định năm 2024

(binhdinh.gov.vn) - Nhằm chủ động ứng phó trước mọi tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh, ngày 26/8/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3037/QĐ-UBND phê duyệt Phương án ứng phó thiên tai tỉnh Bình Định năm 2024.

UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2024 trên địa bàn tỉnh vào sáng 02/7/2024.

Do vị trí địa lý, đặc điểm địa hình, địa mạo cùng với tác động biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn ra rất phức tạp và có xu thế ngày càng gia tăng về số lượng cũng như mức độ khốc liệt. Các loại hình thiên tai thường xuất hiện ở Bình Định là áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, dông, sét, lốc, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, … Đặc biệt là loại hình thiên tai do bão, lũ, mưa lớn xảy ra hàng năm gây ra nhiều thiệt hại và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong tỉnh. Từ năm 1999 đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh, thiên tai đã làm 471 người chết, 355 người bị thương, 8.285 nhà bị sập, 363.313 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng. Tổng ước tính thiệt hại hơn 12.843 tỷ đồng.

Trong Phương án ứng phó thiên tai năm 2024, UBND tỉnh đã xây dựng 04 kịch bản ứng phó với bão, 03 kịch bản ứng phó với lũ, với nền dữ liệu điều tra khảo sát (đến ngày 10/8/2024 trên phần mềm Quản lý thiên tai tỉnh Bình Định tại địa chỉ http://thientai.binhdinh.gov.vn) 402.460 hộ gia đình/1.478.043 người hiện có tại hộ gia đình, công tác chuẩn bị theo phương châm 04 tại chỗ trong công tác phòng chống thiên tai (về lực lượng ứng phó thiên tai, phương tiện - vật tư - trang thiết bị, lương thực - thực phẩm, địa điểm sơ tán tập trung) của UBND cấp xã, UBND cấp huyện và số liệu của các sở, ngành trên địa bàn tỉnh.

Việc tổ chức phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai khi xảy ra đồng thời một số kịch bản sẽ được thực hiện đồng thời các nội dung của từng Phương án liên quan.

UBND tỉnh yêu cầu: Quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “04 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); bảo đảm nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả sau thiên tai. Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả của các cấp, các ngành. Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong hoạt động phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh và ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư. Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của người dân. Triển khai đồng bộ đồng bộ giữa các số liệu cập nhật trên Phương án và phần mềm Quản lý thiên tai để thống nhất điều hành ứng phó của tỉnh khi xảy ra các tình huống bão, lũ trên phần mềm Quản lý thiên tai tỉnh Bình Định. Tiếp tục sử dụng tổ chức bộ máy, phương tiện, trang thiết bị hiện có để tổ chức theo dõi, giám sát, tham mưu, chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai cho đến khi Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các cấp được kiện toàn theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự và đi vào hoạt động nhằm bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai được vận hành thông suốt liên tục, kịp thời, hiệu quả, không xảy ra việc gián đoạn trong công tác theo dõi, giám sát, tham mưu, chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh./.


Tác giả: Minh Anh

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật