Phấn đấu đến năm 2020, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đạt top 10 trường có chất lượng tốt nhất Việt Nam, ngang tầm khu vực và quốc tế
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Quy Nhơn) phấn đấu đạt tóp 10 trường có chất lượng tốt nhất Việt Nam, ngang tầm khu vực và quốc tế vào năm 2020.
Theo đó, xây dựng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thành hình mẫu của các trường THPT về đội ngũ nhà giáo và chất lượng giáo dục – đào tạo. Cụ thể, Đề án cần đạt được được 5 mục tiêu:
1. Về quy mô đào tạo: phấn đấu đến năm 2020, có 10 môn chuyên (Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, Tiếng Nhật, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Tin học); 36 lớp chuyên (thêm các lớp chuyên mới là Lịch sử, Địa lí, Tiếng Nhật); 6 lớp không chuyên; với tổng số học sinh toàn trường khoảng 1.300 học sinh, tiêu chuẩn mỗi lớp chuyên tối đa 35 học sinh/lớp, lớp không chuyên là 45 học sinh/lớp.
2. Về chất lượng đào tạo: phấn đấu nằm trong nhóm 10 trường THPT có chất lượng tốt nhất Việt Nam, ngang tầm với các trường trung học tiên tiến trong khu vực và quốc tế; học sinh không chỉ giỏi về văn hóa, tốt về đạo đức, lối sống mà còn có khả năng giao tiếp, hoạt động xã hội; là nguồn để đào tạo nhân tài cho tỉnh và đất nước ở bậc đại học và sau đại học.
Đến năm 2020, ít nhất 70% học sinh học lực giỏi, 90% học sinh giỏi, khá về tin học, 100% học sinh đạt bậc 3 ngoại ngữ tiêu chuẩn do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ Châu Âu ban hành; phấn đấu có hơn 25% giải học sinh giỏi cấp tỉnh, hơn 25 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia và có giải quốc tế; 95% học sinh đậu đại học nguyện vọng 1; 50% học sinh các lớp chuyên đã tốt nghiệp THPT được đào tạo tại các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao của các trường đại học có uy tín trong và ngoài nước.
3. Về đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học: đầu tư, nâng cấp trường đạt chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Về phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên: phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ quản lý đạt trên chuẩn (02 trình độ tiến sĩ), 100% trung cấp chính trị trở lên (Hiệu trưởng phải có cao cấp lý luận chính trị), 50% giáo viên trung học cao cấp; 100% sử dụng được ngoại ngữ trong giao tiếp, giảng dạy, thông thạo tin học và thiết bị dạy học hiện đại; 60% giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 50% giáo viên Toán học, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học giảng dạy bằng tiếng Anh cho môn học được phân công…
5. Về nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế: tăng cường nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; nghiên cứu, ứng dụng các sáng kiến và kinh nghiệm phục vụ công tác giảng dạy và giáo dục học sinh; thiết lập các mối quan hệ và tăng cường hợp tác với các trường THPT chuyên và các cơ sở giáo dục uy tín trong và ngoài nước…
Kinh phí dự kiến để thực hiện Đề án là 37,1 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2016 – 2017 là 20 tỷ đồng, giai đoạn 2018 – 2020 là 17,1 tỷ đồng. Nguồn kinh phí thực hiện từ Ngân sách Nhà nước cấp bổ sung tối thiểu 80% kinh phí thực hiện Đề án, kinh phí còn lại từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Về tổ chức thực hiện, UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan chỉ đạo Nhà trường tổ chức triển khai thực hiện nội dung Đề án; phối hợp Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan trình UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh của Nhà trường; thường xuyên, định kỳ báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án cho UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp thời.
Giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở đề xuất của Sở GD&ĐT và Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn hàng năm có trách nhiệm cân đối, bố trí kinh phí để tổ chức thực hiện Đề án, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định; Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chế độ, chính sách ưu đãi của tỉnh đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh của Nhà trường; cơ chế thu hút và tuyển chọn cán bộ quản lý, giáo viên; cơ chế sàng lọc, luân chuyển đối với cán bộ quản lý và giáo viên; cơ chế đặc thù và giao thêm thẩm quyền cho Hiệu trưởng Nhà trường,… Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật, quy hoạch chi tiết, thiết kế kỹ thuật thi công và dự toán các công trình đầu tư xây dựng mới và sửa chữa của Nhà trường theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Riêng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện Đề án, phổ biến nội dung của Đề án cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của Nhà trường. Đồng thời, định kỳ 6 tháng và 1 năm báo cáo đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án gửi Sở GD&ĐT, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan để biết, theo dõi và chỉ đạo thực hiện./.
T.T.T