Phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bình Định đến năm 2025
Chú thích hình ảnh
Theo đó, quan điểm của kế hoạch là phát triển dịch vụ logistics phù hợp với tiềm năng lợi thế của tỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics; phát triển các doanh nghiệp logistics tăng về số lượng, chất lượng, quy mô, trình độ nhân lực theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao trong quản lý - kinh doanh, đủ năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và nước ngoài; hoàn thiện các cơ chế quản lý nhà nước ở địa phương...
Mục tiêu phát triển dịch vụ logistics với tốc độ tăng trưởng cao và nâng mức đóng góp của dịch vụ logistics, phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng đóng góp trong GDP của dịch vụ logistics nằm trong nhóm cao trong khu vực dịch vụ của tỉnh với tốc độ trung bình dịch vụ logistics đến năm 2020 là 10-12%/năm, đến năm 2025 tăng trên 12%/năm, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra; Phát triển ngành logistics bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng hệ thống dịch vụ logistics phát triển năng động, có khả năng cạnh tranh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, từng bước phát huy lợi thế của Bình Định trong chuỗi giá trị logistics cả nước; Hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại vùng miền Trung - Tây Nguyên. Trong đó, các nhà giao nhận, vận tải sử dụng Cảng Quy Nhơn như là cảng cửa ngõ của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics vào các nước ASEAN và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Xây dựng, từng bước hoàn thiện về hạ tầng: cảng biển, kho bãi, giao thông vận tải, thông tin liên lạc, các trung tâm logistics để phục vụ các dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh; Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ logistics theo hướng tích hợp nhiều dịch vụ với công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp. Tập trung phát triển mạnh loại hình dịch vụ logistics bên thứ 3 (3PL), từng bước triển khai loại hình dịch vụ logistics bên thứ 4 (4PL) và thứ 5 (5PL) trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản lý chuỗi cung ứng hiện đại.
Yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được nêu trong Kế hoạch này và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả thực hiện của đơn vị, địa phương mình. Hàng năm, báo cáo kết quả thực hiện cho Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này; đề xuất cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực xã hội để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, theo dõi quá trình thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chủ động đầu tư nâng cấp, cơ sở vật chất nhà xưởng, kho bãi, phương tiện vận tải,... ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại trong hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics; đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có trình độ cao về logistics; doanh nghiệp sản xuất, thương mại quản lý tốt chuỗi cung ứng, tiết kiệm nguyên vật liệu và chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian luân chuyển hàng hóa; tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng đối với dịch vụ logistics; kiến nghị với cơ quan chức năng tại địa phương những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động kinh doanh, đồng thời đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách và định hướng xây dựng quy hoạch phát triển dịch vụ logistics của tỉnh Bình Định trong thời gian tới./.
Hữu Phước