A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn)-UBND tỉnh vừa ban hành văn bản số 5659/UBND-KT về việc tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt trên địa bàn tỉnh.


Ảnh minh họa

Theo đó, các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện Quy chế phối hợp số 10/QCPH-BGTVT-UBND ngày 25/3/2013 giữa Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Bình Định và Văn bản số 3466/UBND-KT ngày 06/7/2017 về tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

Yêu cầu Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị thuộc ngành đường sắt tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt các hành vi vi phạm quy tắc giao thông tại vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt trên địa bàn tỉnh. Giao Sở Giao thông vận tải tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt. Phối hợp với các công ty quản lý đường sắt và chính quyền địa phương rà soát các lối đi tự mở có nguy cơ xảy ra tai nạn cao; xử lý tình trạng mở lối đi trái phép qua đường sắt, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt; lập kế hoạch cụ thể để xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt. Chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương có tuyến đường sắt đi qua và các đơn vị liên quan xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt tại các vị trí đường bộ giao cắt cùng mức với đường sắt.

Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố có đường sắt đi qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt cho người dân trên địa bàn mình quản lý, đặc biệt là người dân sinh sống gần khu vực đường ngang, lối đi tự mở có mật độ giao thông cao, thường xảy ra tai nạn; Tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông giữa UBND các huyện, thị xã, thành phố với các hộ dân sinh sống tại khu vực điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt trên địa bàn;  Rà soát, bổ sung đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ, vạch dừng, vạch cảnh báo, gờ giảm tốc, gồ giảm tốc, tạo bề mặt lối đi bằng phẳng, êm thuận trên phần đường bộ do mình quản lý tại các đường ngang theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN41: 2016/BGTVT và Quyết định số 1578/QĐ-BGTVT ngày 30/5/2017 của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn tạm thời sơn gờ giảm tốc, gồ giảm tốc tại vị trí đường bộ giao cắt cùng mức với đường sắt; Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý đường sắt, đường bộ tổ chức giải tỏa tầm nhìn cho cả hai phía đường bộ và đường sắt tại các đường ngang, đường dân sinh cắt qua đường sắt; tổ chức rào chắn các lối đi dân sinh không đảm bảo an toàn. Kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời các lối đi dân sinh có tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp, tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác tại các đường ngang và lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Phối hợp chặt chẽ với ngành đường sắt và các đơn vị có liên quan hoàn thiện hệ thống đường gom, hàng rào cách ly,…cương quyết không để phát sinh thêm đường ngang không có phép trên địa bàn quản lý. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất trong phạm vi đất dành cho đường sắt; tăng cường kiểm tra và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

UBND huyện Hoài Nhơn tổ chức cảnh giới đảm bảo an toàn giao thông tại lối đi tự mở Km1022+350, thuộc lý trình đường sắt tuyến Bắc- Nam; giao UBND thành phố Quy Nhơn tổ chức cảnh giới đảm bảo an toàn giao thông khi có tàu tại 03 lối đi tự mở tại các vị trí Km8+330, Km8+560, Km8+840, tuyến đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn. Ban An toàn giao thông tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt. Phối hợp với địa phương kiểm tra, rà soát các vị trí đường ngang giao cắt đường sắt tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, báo cáo, đề xuất xây dựng hệ thống báo hiệu đường bộ, vạch dừng, vạch cảnh báo, gờ giảm tốc, gồ giảm tốc nhằm phòng ngừa tai nạn xảy ra tại các vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt, theo đúng quy định./.

Hữu Phước


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật