A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020”

(binhdinh.gov.vn)-UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 3148/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012 góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017-2020” trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Ảnh minh họa

Theo đó, mục tiêu Kế hoạch là thông qua phong trào thi đua nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, nông dân về Luật Hợp tác xã năm 2012; về tầm quan trọng của việc đổi mới, phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay; Góp phần thúc đẩy việc xây dựng, đổi mới, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp để hỗ trợ phát triển sản xuất, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao liên quan đến quản lý nhà nước về lĩnh vực hợp tác xã nông nghiệp.

Đổi mới, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài do đó cần sự tham gia của toàn hệ thống chính trị; Phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở với nội dung và hình thức thiết thực, phù hợp với thực tiễn của địa phương;  Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện phong trào thi đua; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong thực hiện phong trào; việc biểu dương khen thưởng tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào phải khách quan, công bằng để tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua.

Đối tượng là đơn vị, cá nhân có thành tích đóng góp xuất sắc trong phong trào đổi mới, phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, gồm: các sở, ban, ngành tỉnh và tương đương có liên quan; ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các hợp tác xã nông nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác đổi mới, phát triển hợp tác xã nông nghiệp.

Phong trào thi đua được tổ chức từ năm 2017 đến năm 2020, hàng năm đánh giá kết quả thực hiện; sơ kết vào năm 2018 và tổ chức tổng kết vào cuối năm 2020. Với nội dung triển khai và thực hiện tốt quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012; Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới  giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 2683/QĐ-UBND ngày 03/8/2015 của UBND tỉnh Bình Định về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Đề án “Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030” và các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan đến đổi mới, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phát động, triển khai thực hiện phong trào thi đua ở địa phương mình, trong đó cần tập trung các nội dung sau: chỉ đạo, hướng dẫn các hợp tác xã nông nghiệp đổi mới hình thức tổ chức, nội dung hoạt động và phương thức quản lý đúng theo quy định của Luật hợp tác xã năm 2012; Hợp nhất, sáp nhập các hợp tác xã quy mô thôn, liên thôn hoạt động kém hiệu quả thành các HTX có quy mô toàn xã nhằm huy động vốn, kinh nghiệm, tinh gọn bộ máy quản lý hoạt động có hiệu quả hơn. Thành lập mới hợp tác xã ở những nơi nông dân có nhu cầu, đặc biệt là các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nhưng chưa có hợp tác xã; Giải thể bắt buộc đối với các hợp tác xã nông nghiệp không hoạt động, tồn tại trên hình thức nhiều năm liền mà không củng cố được và các quy định khác theo khoản 2 Điều 54 Luật Hợp tác xã năm 2012; Hàng năm xây dựng ít nhất 01 mô hình hợp tác xã nông nghiệp thực hiện hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị, sơ tổng kết và từng bước nhân rộng mô hình ra diện rộng; Ưu tiên các nguồn lực để hỗ trợ, phát triển hợp tác xã thông qua việc lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án; xã hội hóa các nguồn vốn hợp pháp khác, kêu gọi sự tài trợ và hợp tác của các tổ chức trong và ngoài nước. 

Các hợp tác xã nông nghiệp nỗ lực, phấn đấu tổ chức hoạt động có hiệu quả theo Luật Hợp tác xã năm 2012, đóng góp tích cực vào thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.

Hữu Phước


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật