Phát triển phương tiện vận tải khách công cộng trên địa bàn tỉnh đến năm 2030
(binhdinh.gov.vn) - Ngày 14/01/2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND về việc phát triển phương tiện vận tải khách công cộng trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Kế hoạch nhằm phát triển phương tiện kinh doanh vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải và thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh; đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, kế hoạch cũng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách công cộng bằng xe ô tô.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 09 bến xe khách đạt tiêu chuẩn từ loại 1 đến loại 5, trong đó có 01 bến xe loại 1 (bến xe khách trung tâm Quy Nhơn), 02 bến xe loại 3 (bến xe khách An Nhơn; Phú Phong), 04 bến xe loại 4 (bến xe khách Phù Cát; Bình Dương; Bồng Sơn, Hoài Ân) và 02 bến xe loại 5 (Bến xe khách trung tâm huyện Vĩnh Thạnh và huyện An Lão). Cơ bản các Bến xe đã thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định về hoạt động kinh doanh, khai thác bến xe. Bên cạnh đó, có 04 bến xe buýt do 02 đơn vị tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt khai thác là Xí nghiệp vận tải khách công cộng Quy Nhơn và Hợp tác xã vận tải cơ giới Phù cát.
Hiện có 102 tuyến vận tải hành khách cố định đang được khai thác, trong đó có 97 tuyến liên tỉnh và 05 tuyến nội tỉnh. Tổng số đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định là 35 đơn vị, với 410 xe, chiếm tỷ lệ 21,4% tổng số xe khách quản lý.
Theo số liệu thống kê giai đoạn 2019 - 2023, sản lượng vận tải hành khách bằng đường bộ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5,6%/năm. Dự báo giai đoạn 2024 - 2030, sản lượng vận tải hành khách bằng đường bộ tăng trưởng bình quân trong khoảng từ 6% đến 8% mỗi năm.
Kế hoạch đề ra 6 giải pháp trọng tâm nhằm phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, gồm: hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy và các cơ chế chính sách; hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông; tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các loại hình vận tải hành khách công cộng; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác hoạt động vận tải; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng.
Để triển khai thực hiện kế hoạch này có hiệu quả và đạt yêu cầu đề ra, đảm bảo phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân và thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện việc quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô, xe 4 bánh có gắn động cơ theo thẩm quyền; tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Căn cứ Kế hoạch này và tình hình thực tế, nhu cầu đi lại của hành khách, tham mưu điều chỉnh số lượng phương tiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân, thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông và đáp ứng nhu cầu kinh doanh của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải; phối hợp với các lực lượng ngành công an, chính quyền địa phương thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng xe dù, bến cóc, xe chở quá số người quy định, tăng giá vé trái quy định và các vi phạm khác. Phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức rà soát để cắm biển chỉ dẫn các điểm dừng cho xe khách tuyến cố định, xe buýt trên địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông; trong đó, tập trung xử lý đối với các hành vi vi phạm về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Phối hợp với Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải xác định vị trí lắp đặt camera giám sát tại các vị trí nút giao thông trên tuyến đường bộ để kiểm soát hoạt động và xử lý vi phạm đối với các phương tiện tham gia giao thông tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế nâng cao chất lượng việc khám sức khỏe cho người lái xe; xây dựng kế hoạch thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để khám sức khỏe và cung cấp hồ sơ, giấy khám sức khỏe điện tử cho lái xe và chia sẻ, tích hợp với cơ sở dữ liệu sức khỏe của Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế) trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các kế hoạch về kiểm tra, xử lý lái xe liên quan việc lái xe sử dụng chất ma túy, các chất kích thích khác.
Sở Tài chính phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Sở Xây dựng phối hợp với Sở Giao thông vận tải hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Chủ đầu tư lập quy hoạch xây dựng đảm bảo quỹ đất dành để xây dựng hệ thống bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, vị trí đón, trả khách cho phương tiện vận tải hành khách công cộng.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Giao thông vận tải chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao các huyện, thị xã, thành phố, hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh doanh vận tải hành khách công cộng. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác quản lý các nội dung quảng cáo kinh doanh vận tải hành khách công cộng đăng tải trên báo chí, không gian mạng, trang thông tin điện tử.
Cục Thuế tỉnh hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải triển khai thực hiện vé điện tử, hóa đơn điện tử trong giao dịch bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định. Phối hợp Sở Giao thông vận tải cập nhật thông tin của các tổ chức, cá nhân phát sinh hoạt động kinh doanh vận tải để thực hiện quản lý thu thuế kịp thời theo quy định. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn; thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với các đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm các quy định về Pháp luật thuế. Thực hiện công tác Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực vận tải tại địa phương phối hợp với Sở Giao thông vận tải triển khai thực hiện Kế hoạch này. Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh trong việc quy hoạch đô thị đảm bảo quỹ đất dành cho xây dựng hệ thống bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, vị trí đón, trả khách cho phương tiện vận tải hành khách. Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để triển khai các nội dung: Xác định, xây dựng và quản lý hệ thống bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, vị trí đón, trả khách cho phương tiện vận tải hành khách trên địa bàn quản lý./.