Phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Định đến năm 2035
(binhdinh.gov.vn) - Tại Quyết định số 61/QĐ-UBND ngày 08/01/2025, UBND tỉnh đã Phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Định đến năm 2035.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: baodautu.vn)
Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập Chương trình gồm toàn bộ ranh giới quản lý hành chính của tỉnh Bình Định với tổng diện tích tự nhiên là 6.066,4km2, bao gồm 11 đơn vị hành chính: thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và các huyện An Lão, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Vân Canh và Tuy Phước.
Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Định đến năm 2035 phù hợp theo định hướng Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021; Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14/12/2023 và Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024.
Chương trình nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển đô thị tỉnh Bình Định đến năm 2035 theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị; Chương trình hành động số 21/CTr-TU ngày 20/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các quy định có liên quan. Cùng với đó, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực có tính liên kết với cả vùng, khu vực và cả nước; Kết cấu cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại; Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả, bền vững và là trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh; Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy. Ngoài ra, Chương trình làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển đô thị, xác định khu vực ưu tiên đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch cho từng giai đoạn 5 năm và 10 năm; triển khai các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cho từng giai đoạn, đề xuất cơ chế chính sách, thu hút nguồn vốn và huy động các nguồn lực đầu tư theo mục tiêu xây dựng đô thị trong quy hoạch đã được phê duyệt.
Mục tiêu cụ thể, giai đoạn đến năm 2025, hệ thống đô thị tỉnh Bình Định có 21 đô thị, gồm: 01 đô thị loại I (thành phố Quy Nhơn), 02 đô thị loại III (thành phố An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn), 01 đô thị loại IV (đô thị Tây Sơn), 17 đô thị loại V (TT.Tuy Phước, TT.Diêu Trì, đô thị Phước Lộc, đô thị Phước Hòa, đô thị Phước Sơn, TT.Phù Mỹ, TT.Bình Dương, TT.Mỹ Chánh, đô thị Mỹ Thành, TT.Ngô Mây, TT.Cát Tiến, TT.Cát Khánh, TT.Vân Canh, TT.An Lão, TT.An Hòa, TT.Tăng Bạt Hổ, TT.Vĩnh Thạnh).
Các chỉ tiêu chủ yếu gồm: Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến năm 2025 đạt trên 55%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt 10%; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 11%; diện tích cây xanh đô thị bình quân trên mỗi người dân đạt 6m2; tỷ lệ người dân đô thị sử dụng nước sạch tập trung đạt 90%; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 30m2.
Hệ thống đô thị tỉnh Bình Định đến năm 2030 có 21 đô thị, gồm: 01 đô thị loại I (thành phố Quy Nhơn), 02 đô thị loại III (thành phố An Nhơn, thành phố Hoài Nhơn), 03 đô thị loại IV (thị xã Tây Sơn, thị xã Tuy Phước, thị trấn Cát Tiến), 15 đô thị loại V (TT. Vĩnh Thạnh, TT. Vân Canh, TT. An Lão, TT. Tăng Bạt Hổ, TT. Phù Mỹ, TT. Bình Dương, TT. Ngô Mây, TT. Cát Khánh, TT. An Hòa, đô thị Mỹ Chánh, đô thị Canh Vinh, đô thị Mỹ Thành, đô thị Mỹ An, đô thị Cát Hanh, đô thị Ân Tường Tây).
Các chỉ tiêu chủ yếu gồm: tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến năm 2030 đạt trên 60%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt 11%; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 16%; diện tích cây xanh đô thị bình quân trên mỗi người dân đạt 10m2; tỷ lệ người dân đô thị sử dụng nước sạch tập trung đạt 95%; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 33m2.
Giai đoạn năm 2035, hệ thống đô thị tỉnh Bình Định đến năm 2035 có 18 đô thị, gồm: 01 đô thị loại I (thành phố Quy Nhơn), 02 đô thị loại III (thành phố An Nhơn, thành phố Hoài Nhơn), 03 đô thị loại IV (thị xã Tây Sơn, thị xã Tuy Phước, thị xã Phù Cát (đô thị dự kiến nâng loại đô thị và đơn vị hành chính)), 12 đô thị loại V (TT. Vĩnh Thạnh, TT. Vân Canh, TT. An Lão, TT. Tăng Bạt Hổ, TT. Phù Mỹ, TT. Bình Dương, TT. An Hòa, đô thị Mỹ Chánh, đô thị Canh Vinh, đô thị Mỹ Thành, đô thị Mỹ An, đô thị Ân Tường Tây).
Các chỉ tiêu chủ yếu gồm: tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến năm 2035 đạt trên 76%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt trên 11%; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt trên 16%; diện tích cây xanh đô thị bình quân trên mỗi người dân đạt trên 10m2; tỷ lệ người dân đô thị sử dụng nước sạch tập trung đạt trên 95%; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người đạt trên 33m2.
Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình đến năm 2035 dự kiến khoảng 320.071,9 tỷ đồng (nguồn vốn đầu tư toàn xã hội).
UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương liên quan tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt, chủ động xây dựng kế hoạch để thực hiện chương trình, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định; tăng cường quản lý đất đai, quản lý xây dựng, tạo điều kiện và hướng dẫn nhân dân xây dựng công trình đảm bảo quy hoạch và mỹ quan đô thị.
Các sở, ban, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt; kịp thời giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.