Phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Bình Định giai đoạn 2023-2025 thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm
(binhdinh.gov.vn) - Trong thời gian qua, Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 217 sản phẩm được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 34 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 177 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Nhằm từng bước chuẩn hoá sản phẩm OCOP đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành của thị trường nhằm khẳng định sản phẩm có thương hiệu, có uy tín, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh đến với thị trường trong cả nước và hướng đến xuất khẩu, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 116/KH-UBND về việc phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Bình Định giai đoạn 2023-2025 thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Khai mạc hội chợ triển lãm thương mại sản phẩm OCOP và làng nghề Bình Định năm 2023
Kế hoạch cũng nhằm mục đích tổ chức, triển khai đồng bộ các giải pháp, xác định rõ nội dung công việc, lộ trình, thời gian thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo đúng tiến độ, chất lượng đáp ứng được mục tiêu; nêu cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện Chương trình nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP và phát triển thương hiệu OCOP. Đánh giá, xác định các sản phẩm có khả năng phát triển công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP trong giai đoạn 2023-2025 để có định hướng ưu tiên hỗ trợ, nâng tầm sản phẩm.
Mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh đến năm 2025 là tiếp tục củng cố, chuẩn hoá, hoàn thiện và phát triển 217 sản phẩm OCOP của tỉnh đã được công nhận giai đoạn 2018-2022; trong đó, củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP giai đoạn 2023-2025: Dự kiến giai đoạn 2023-2025, phát triển công nhận khoảng 250 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Củng cố, phát triển các tổ chức kinh tế tham gia OCOP; đặc biệt là Hợp tác xã, Tổ hợp tác phát triển sản phẩm OCOP. Phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là Hợp tác xã, Tổ hợp tác. Có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng gắn với sản phẩm OCOP của tỉnh. Hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP đặc trưng, lợi thế của các địa phương. Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử,…); phấn đấu có 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh.
Kế hoạch đặt ra nhiệm vụ, giải pháp chính gồm: Củng cố, phát triển các tổ chức kinh tế; Xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng gắn với sản phẩm OCOP; Hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP; Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu/phần mềm quản lý Chương trình OCOP; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về sản phẩm OCOP; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thực hiện Chương trình OCOP./.