|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy định mới về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 10/6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Quy định gồm 04 chương và 40 điều; quy định về chức vụ, chức danh, số lượng, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ, chính sách; bầu cử, tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

Theo Nghị định, cán bộ cấp xã có các chức vụ: Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam; Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam); Chủ tịch Hội CCB Việt Nam.

Công chức cấp xã có các chức danh: Chỉ huy trưởng Ban CHQS; Văn phòng - thống kê; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội. Như vậy, Nghị định số 33/2023/NĐ-CP không quy định chức danh công chức Trưởng Công an xã (do đã bố trí Công an chính quy ở cấp xã).

Về số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã: Trên cơ sở khoán tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo quy định hiện hành (đối với phường loại I - II - III tương ứng là 23 - 21 - 19 người, đối với xã và thị trấn loại I - II - III tương ứng là 22 - 20 - 18 người) và khoán tổng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quy định hiện hành (đối với cấp xã loại I - II - III tương ứng là 14 - 12 - 10 người), Nghị định bổ sung quy định tăng thêm (không khống chế tối đa) số lượng công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên cao hơn so với tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15).

Về số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố: Thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là một cấp chính quyền, theo đó Nghị định tiếp tục quy định 3 chức danh người hoạt động không chuyên trách (gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận) và những người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố. Đồng thời, phân cấp cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể chức danh, số lượng người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Về phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã: Do chưa sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, do đó không có đủ căn cứ pháp lý để quy định công chức cấp xã có chức danh Văn phòng Đảng ủy và một số chức danh thuộc cấp ủy cấp xã (hiện nay các địa phương đang bố trí người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đảm nhiệm) nên Nghị định bổ sung quy định về phụ cấp kiêm nhiệm theo hướng: Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định đối với chức danh kiêm nhiệm. Đồng thời, giao UBND cấp huyện quyết định chức danh được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm trong trường hợp số lượng chức danh bố trí kiêm nhiệm lớn hơn số lượng cán bộ, công chức giảm được so với số được giao theo quy định tại Nghị định này.

Về chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và chế độ hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố: Nghị định quy định tăng mức khoán quỹ phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở mỗi đơn vị hành chính cấp xã loại I - II - III tương ứng từ 16,0 - 13,7 - 11,4 lần mức lương cơ sở lên 21 - 18 - 15 lần mức lương cơ sở (tăng trung bình từ 1,14 lần mức lương cơ sở/1 người lên mức 1,5 lần mức lương cơ sở/1 người). Ngoài mức khoán quỹ phụ cấp này, đối với những đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên cao hơn so với tiêu chuẩn quy định được tăng thêm người hoạt động không chuyên trách thì cứ tăng 1 người hoạt động không chuyên trách so với quy định được tăng quỹ phụ cấp khoán 1,5 lần mức lương cơ sở/1 người tăng thêm.

Tăng mức khoán quỹ phụ cấp từ 3,0 - 5,0 lần mức lương cơ sở đối với mỗi loại thôn, tổ dân phố hiện nay lên mức 4,5 - 6,0 lần mức lương cơ sở (trong đó, mức khoán 6,0 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã biên giới, hải đảo; mức khoán 4,5 lần mức lương cơ sở áp dụng đối với các thôn, tổ dân phố còn lại). Đối với đơn vị hành chính cấp huyện không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã thì thôn, tổ dân phố được xác định theo đơn vị hành chính cấp huyện đó.

Trên cơ sở tổng mức khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố tính theo quy định nêu trên (tính theo từng cấp tỉnh) và nguồn kinh phí ngân sách dành cho cải cách tiền lương theo quy định ở địa phương, Nghị định quy định UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và mức chi hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố, bảo đảm phù hợp với yêu cầu quản lý của từng đơn vị hành chính cấp xã và tương quan hợp lý với mức lương bậc 1 của công chức cấp xã có cùng trình độ đào tạo nhằm khuyến khích người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố học tập, nâng cao trình độ đào tạo chuyên môn (ngân sách Trung ương không hỗ trợ). Trường hợp trong thời kỳ ổn định ngân sách mà có sáp nhập thôn, tổ dân phố thì không điều chỉnh giảm mức khoán quỹ phụ cấp (tính cho cả cấp tỉnh) nêu trên.

Nghị định quy định việc UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể mức phụ cấp của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; quy định cụ thể mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và mức hỗ trợ hằng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố thì không phải xin ý kiến các Bộ, cơ quan Trung ương.

Để bảo đảm phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương và đẩy mạnh việc phân cấp, Nghị định quy định giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng đối với từng chức vụ, chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cho phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.

Nghị định số 33/2023/NĐ-CP thay thế 04 Nghị định của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/8/2023.


Tác giả: LXH

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật