Sơ kết 03 năm thực hiện “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật” giai đoạn 2018 – 2022
Bên cạnh việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong công tác tổ chức thi hành pháp luật; hoàn thiện thể chế về tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật, công tác theo dõi, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác tổ chức thi hành pháp luật cũng được đặc biệt chú trọng. UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Đoàn liên ngành do Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch của UBND tỉnh và kế hoạch của Bộ Tư pháp; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật tại địa phương. Qua kiểm tra, tình hình thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền qua công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết, xét xử vụ án hành chính; đấu tranh, phòng, chống tội phạm được thực hiện nghiêm túc, tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật hiện hành. Tình hình tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao.
Để công tác tổ chức thi hành pháp luật đạt hiệu quả, UBND tỉnh đã giao Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh; các sở, ban, ngành tỉnh giao bộ phận Thanh tra - Pháp chế hoặc cán bộ Pháp chế tham mưu, giúp Thủ trưởng cơ quan theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Tại cấp huyện, cấp xã, công tác này được giao cho Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch tham mưu, giúp UBND cấp huyện, UBND cấp xã tổ chức thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi quản lý ở địa phương. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo bố trí biên chế, kinh phí trong nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị, địa phương và tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Nhằm nâng cao chất lượng công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành Khung theo dõi thi hành pháp luật để có công cụ, phương tiện hữu hiệu hỗ trợ hoạt động theo dõi, đánh giá việc theo dõi thi hành pháp luật một cách chính xác, hiệu quả; quy định cụ thể hơn cơ chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị các khó khăn, vướng mắc khi thi hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp và các sở, ngành trong việc ban hành kế hoạch, thống kê báo cáo, kiểm tra, xử lý kết quả theo dõi thi hành pháp luật,… nhất là phải có cơ chế giải quyết, xử lý trong trường hợp thực hiện không đúng quy định.
UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu cho công chức làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác này tại địa phương. Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ có cơ chế kiện toàn đội ngũ công chức làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Tư pháp – Hộ tịch cấp xã và tổ chức pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định về chế độ tài chính phục vụ cho công tác theo dõi thi hành pháp luật, tạo điều kiện và cơ sở pháp lý để các đơn vị, địa phương đề xuất kinh phí, chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao./.
Kim Loan