Tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong sơ sinh
Ảnh minh họa.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh để chấn chỉnh việc thực hiện Luật khám bệnh, chữa bệnh; các quy định liên quan của pháp luật; quy chế bệnh viện và các quy trình, quy chuẩn chuyên môn về chẩn đoán, theo dõi, cấp cứu sản khoa, cấp cứu hồi sức sơ sinh; kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khám chữa bệnh; Rà soát tình hình nhân lực y tế về số lượng và năng lực; trang thiết bị và tổ chức nhân sự làm công tác chăm sóc sản khoa, nhất là công tác cấp cứu sản khoa ở các tuyến y tế trên địa bàn tỉnh để có kế hoạch đào tạo cán bộ, đầu tư mua sắm trang thiết bị đảm bảo theo quy định; Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức mạng lưới khám, chữa bệnh sản phụ khoa và nhi khoa trên địa bàn tỉnh; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cần thiết cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, đặc biệt là các nội dung về làm mẹ an toàn và chăm sóc sơ sinh. Quan tâm đầu tư cho Trung tâm Y tế các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh để thực hiện chăm sóc sản khoa toàn diện; Chỉ đạo củng cố, tăng cường đơn nguyên Nhi sơ sinh đã được thành lập tại 02 bệnh viện khu vực và Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố; chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh nâng cao chất lượng công tác cấp cứu hồi sức sơ sinh tại Khoa Nhi sơ sinh, tăng cường công tác chỉ đạo tuyến về cấp cứu hồi sức sơ sinh cho 02 bệnh viện khu vực và Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố; Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường sự phối hợp giữa chuyên khoa sản với chuyên khoa nhi và hồi sức cấp cứu trong chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, đặc biệt trong việc xử lý cấp cứu, hồi sức sơ sinh tại phòng đẻ.
Đối với các trường hợp đẻ non, đẻ thiếu cân, các bác sĩ nhi khoa phải có mặt để cùng tham gia hội chẩn, hồi sức cấp cứu; Tích cực triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện; thường xuyên nhắc nhở cán bộ, viên chức trong các khoa, phòng, đơn vị sự nghiệp y tế nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, tuân thủ nghiêm quy chế bệnh viện, quy trình chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế; Tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực thực hành cho cán bộ y tế các tuyến về cấp cứu hồi sức sản khoa, cấp cứu hồi sức sơ sinh; tổ chức đào tạo lại cho cán bộ y tế làm công tác sản khoa ở các tuyến để đạt tiêu chí về người đỡ đẻ có kỹ năng theo tài liệu hướng dẫn và quy định của Bộ Y tế. Tiếp tục đào tạo, củng cố và duy trì hoạt động của đội ngũ cô đỡ thôn bản ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; Tăng cường thực hiện các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình để hạn chế tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, bất hợp pháp; đẩy mạnh công tác sàng lọc trước sinh nhằm hạ thấp tỷ lệ sơ sinh dị tật; Tiếp tục tăng cường công tác tiêm chủng mở rộng để đảm bảo tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin hàng năm đạt từ 98% trở lên; Tăng cường công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe để nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa về chăm sóc thai nghén, nguy cơ của việc không khám thai định kỳ, lợi ích của việc sinh đẻ tại cơ sở y tế, phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh, kịp thời cho trẻ bị bệnh đi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế.
Sở Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với Sở Y tế đề xuất UBND tỉnh đưa mục tiêu, chỉ tiêu triển khai Chương trình hành động “giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh hướng tới thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ 4 và 5” vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hàng năm; quan tâm bố trí nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm Y tế các huyện miền núi của tỉnh để có thể thực hiện chăm sóc sản khoa toàn diện. Giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách (nguồn vốn chi thường xuyên, vốn đầu tư, nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn hợp pháp khác) để tập trung thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh.
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính và các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương trình UBND tỉnh xem xét, ban hành chính sách đãi ngộ nhằm thu hút bác sỹ có trình độ chuyên môn cao nói chung và chuyên ngành sản phụ khoa, nhi khoa nói riêng về công tác tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Giao Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định tích cực phối hợp với Sở Y tế trong việc đẩy mạnh tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và phòng chống các tai biến sản khoa; tăng cường các hoạt động thông tin - truyền thông - giáo dục sức khỏe, nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân, đặc biệt người dân ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa về chăm sóc thai nghén, nguy cơ của việc không khám thai định kỳ và không đến sinh con ở các cơ sở y tế, đỡ đẻ không có cán bộ y tế đỡ.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố đưa mục tiêu, chỉ tiêu giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương. Chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động phối hợp liên ngành trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nói chung, bà mẹ và trẻ em nói riêng. Tăng cường đầu tư cho trạm y tế tuyến xã để thực hiện đạt và duy trì việc thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế xã. Đề nghị Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể thành viên tăng cường phối hợp với ngành y tế và các cơ quan liên quan trong việc tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em./.
P.H.P