A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2020

(binhdinh.gov.vn) - Thời gian tới, dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh, lưu trữ hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và các lễ hội đầu năm 2020 sẽ tăng cao, kéo theo nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Để chủ động công tác phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn PCCC trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo về công tác này tại công văn số 7744/UBND-NC ngày 19/12/2019.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ; triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp về PCCC và cứu nạn, cứu hộ và chịu trách nhiệm về việc bảo đảm an toàn PCCC ở cơ quan, đơn vị, địa phương. Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về PCCC tại đơn vị, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp; phát huy tốt phương châm “04 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) trong công tác PCCC tại cơ sở. Khi xảy ra cháy phải tích cực phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng đóng quân trên địa bàn để chữa cháy kịp thời, hiệu quả; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Công an tỉnh có trách nhiệm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, hướng dẫn kiến thức về PCCC và cứu nạn, cứu hộ, kỹ năng thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền thông qua các cuộc họp tổ dân phố, khu dân cư, tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi…; đẩy mạnh việc xây dựng và nhân rộng mô hình “Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC”; “Khu dân cư an toàn PCCC”. Qua đó kịp thời nêu gương các tập thể, cá nhân là điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân tham gia công tác PCCC” và phê phán những hành vi thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Mở đợt tổng kiểm tra an toàn PCCC trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các chuyên đề nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở hóa chất, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (Gas), khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chứa nhiều chất dễ cháy; các loại hình nhà ở cho thuê trọ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư…; kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót dẫn đến nguyên nhân xảy ra cháy, nổ. Kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các kiến nghị về đảm bảo an toàn PCCC. Chủ động rà soát, xây dựng, bổ sung, chỉnh lý phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; nhất là phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với công trình trọng điểm, cơ sở nguy hiểm cháy, nổ cao, có sự phối hợp, huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia. Duy trì nghiêm túc chế độ thường trực chiến đấu 24/24 giờ; đảm bảo sẵn sàng cứu chữa kịp thời, hiệu quả khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Tăng cường công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho lực lượng PCCC Công an các cấp và lực lượng khác theo quy định. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp về PCCC. Tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra để đôn đốc, đánh giá, chấn chỉnh kịp thời những sơ hở, thiếu sót; đồng thời có cơ sở khen thưởng các đơn vị, địa phương thực hiện tốt và phê bình các đơn vị, địa phương thực hiện kém hiệu quả, thiếu trách nhiệm.

Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bình Định có trách nhiệm xây dựng các phóng sự, bài viết phản ánh các hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, các vi phạm nghiêm trọng về PCCC của các cơ sở, cá nhân có liên quan để nâng cao tính răn đe, giáo dục phòng ngừa. Thông báo, cảnh báo kịp thời những cơ sở, địa bàn có nguy cơ cháy, nổ cao để cán bộ và nhân dân biết, có biện pháp phòng ngừa, khắc phục.

Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, khu vui chơi giải trí, nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội,… đặc biệt là tại trụ sở, nơi kinh doanh của các tổ chức, cá nhân có lắp đặt, treo dựng biển hiệu, biển quảng cáo sử dụng điện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Sở Công Thương tăng cường quản lý nhà nước về điện và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ, vật liệu nổ công nghiệp, pháo…; phối hợp với Công an tỉnh trong việc tuyên truyền, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, người dân các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC trong sử dụng điện và các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ trong phạm vi quản lý.

Sở Xây dựng có trách nhiệm tăng cường quản lý các hoạt động xây dựng, đảm bảo các dự án, công trình phải được thẩm duyệt về PCCC trước khi thi công và đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC trước khi nghiệm thu đi vào hoạt động. Hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về PCCC đối với loại hình công trình mới, cải tạo khi cấp phép xây dựng, hoạt động.

 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra công tác PCCC rừng; xác định và cảnh báo sớm các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy để chủ động phòng ngừa; hướng dẫn cho cán bộ và nhân dân thực tập phương án và có kế hoạch huy động các lực lượng, phương tiện tham gia khi có cháy rừng xảy ra, đảm bảo an toàn PCCC rừng.

 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các phương án, biện pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các cơ 4 sở, đơn vị Quốc phòng hoạt động trên địa bàn tỉnh. Huy động lực lượng phối hợp chữa cháy khi có yêu cầu.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh có trách nhiệm phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra an toàn PCCC các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở sản xuất, các kho chứa hàng chủ động đề phòng cháy, nổ xảy ra, nhất là vào thời điểm ban đêm, ngoài giờ làm việc và trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (tăng cường lực lượng chữa cháy tại chỗ; thay thế, bảo dưỡng các phương tiện chữa cháy đã hỏng; củng cố chỉnh lý bổ sung các phương án chữa cháy,…).

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân thực hiện tốt công tác PCCC gắn với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc.

UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tăng cường công tác PCCC, tổ chức ký cam kết, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC, không để xảy ra cháy, nổ lớn. Thường xuyên kiểm tra công tác thường trực của lực lượng dân phòng và các điều kiện phục vụ công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ khi có cháy, nổ xảy ra. Yêu cầu các cơ sở, khu dân cư tăng cường lực lượng bảo vệ, tuần tra canh gác đảm bảo an toàn PCCC trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trong đó tăng cường công tác quản lý lễ hội đón xuân, nhất là việc đốt hương, vàng mã tại các đền, chùa và trong dịp tảo mộ trước Tết Nguyên đán. Tại các địa phương tổ chức các lễ, hội đầu năm phải tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC tại chỗ, như: Tuyên truyền, khuyến cáo các nội quy PCCC; tổ chức lực lượng, trang bị phương tiện và huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng PCCC tại chỗ; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy, đặc biệt lưu ý phương án chữa cháy tại các bãi đỗ xe, nơi tập trung đông người, phương án cứu nạn, cứu hộ… Rà soát quy hoạch khu dân cư, quy hoạch chỉnh trang đô thị, quy hoạch giải tỏa để có biện pháp di dời các cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC ra khỏi khu dân cư để hạn chế nguy cơ cháy, nổ. Đặc biệt chú ý các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; bố trí kinh phí cho công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại địa phương.

Công ty Điện lực Bình Định có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra hệ thống, mạng lưới điện để phòng ngừa nguy cơ gây mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy từ hệ thống, thiết bị điện. Phối hợp với lực lượng Công an xử lý các vụ việc liên quan khi xảy ra cháy.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và địa phương nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được giao. Nơi nào, địa phương nào để xảy ra cháy, nổ phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương nơi đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật