Tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2020
Ảnh minh họa
Mục đích của Kế hoạch nhằm huy động nguồn lực cả hệ thống chính trị, toàn xã hội cho công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2020 theo phương châm “4 tại chỗ”; xác định trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, các sở, ban, ngành, cơ quan, hội, đoàn thể trong tỉnh; Tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng, hệ thống công trình thủy lợi, đê điều và giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân; Thực hiện đồng bộ, tổng thể các giải pháp phi công trình và công trình trong công tác quản lý đê điều theo lộ trình, đảm bảo tính bền vững, an toàn và hiệu quả, hiệu lực thiết thực.
Mặt khác, yêu cầu quán triệt sâu sắc và tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đê điều, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; Chỉ thị số 1391/CT-BNN-PCTT ngày 25/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, của các cơ quan, ban, ngành và người dân trong công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành của tỉnh theo chức năng, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho đê, đặc biệt là các vị trí đê xung yếu, trọng điểm; chuẩn bị sẵn sàng tổ chức phương án hộ đê, phương án ứng phó trong điều kiện xảy ra bão, lũ lớn, lũ kép theo phương châm “4 tại chỗ”. Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn; việc vi phạm quyết định cho phép của các tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến đê điều kiên quyết ngăn chặn kịp thời, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ, lòng sông có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ trước ngày 31/8/2020.
Trên cơ sở Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị có liên quan từ tỉnh đến cơ sở chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng, cụ thể hóa thành kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Chỉ thị số 1391/CT-BNN-PCTT ngày 25/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Mục tiêu tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về đê điều. Huy động nguồn lực cả hệ thống chính trị, toàn xã hội cho công tác quản lý đê điều để chủ động xử lý những sự cố phát sinh đột xuất trước, trong mùa lũ, bão và tu bổ, nâng cấp các tuyến đê thiết yếu khác nhằm từng bước kiên cố, nâng cấp đồng bộ hệ thống đê, kè của tỉnh, góp phần quan trọng trong việc phòng chống thiên tai, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.
Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện.
Thùy Trang