Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hội quần chúng
(binhdinh.gov.vn) - Ngày 11/01/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 251/UBND-TH về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hội quần chúng.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: ctd.binhdinh.gov.vn)
Tại Công văn này, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, địa phương đối với tổ chức hội thuộc phạm vi quản lý. Trong đó, quan tâm, tạo điều kiện để các tổ chức hội tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động phát triển sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục…; tham gia các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội thuộc lĩnh vực hoạt động của hội theo quy định; khuyến khích hoạt động của các tổ chức hội gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của ngành, lĩnh vực, địa phương. Việc thành lập hội và công nhận Ban vận động thành lập hội phải xuất phát từ nhu cầu chính đáng của quần chúng nhân dân và theo đúng quy định của pháp luật; hội thành lập mới không trùng lặp với hội đã được thành lập hợp pháp trên cùng địa bàn. Tổ chức của hội không nhất thiết phải thành lập hệ thống từ cấp tỉnh đến cơ sở. Hoạt động của hội phải đảm bảo nguyên tắc: tự nguyện; tự quản; dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; tự bảo đảm kinh phí hoạt động; không vì mục đích lợi nhuận; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội. UBND tỉnh chỉ hỗ trợ kinh phí đối với những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho hội.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đề xuất sắp xếp, sáp nhập, giải thể đối với các tổ chức hội có cùng lĩnh vực hoạt động, nhiệm vụ tương đồng nhau, các tổ chức hội có ít hội viên, hoạt động kém hiệu quả. Thực hiện hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với các hội gắn với nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, việc chấp hành pháp luật và thực hiện điều lệ của các tổ chức hội; giải quyết khiến nại, tố cáo, xử lý hoặc kiến nghị UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) xử lý các vi phạm của hội theo quy định của pháp luật, nhất là việc thành lập hội tự phát hoặc thành lập hội không đúng thẩm quyền, hội không hoạt động liên tục 12 tháng, không chấp hành việc báo cáo, không sinh hoạt hội hoặc hoạt động không đúng theo quy định của điều lệ hội đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các tổ chức hội cần thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ hội; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thực sự đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của hội viên; đoàn kết, tập hợp hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức hội, hội viên và cộng đồng; khắc phục tình trạng hành chính hóa trong tổ chức và hoạt động của các hội. Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm báo cáo, thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các trường hợp thay đổi về nhân sự (Chủ tịch, Phó Chủ tịch) giữa nhiệm kỳ; thay đổi về địa điểm, trụ sở hoạt động... Việc giới thiệu bầu giữ các chức danh lãnh đạo hội đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn theo quy định và phân cấp của cấp có thẩm quyền về công tác cán bộ.
UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các hội trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, điều lệ đối với hội theo quy định hiện hành./.