A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp

Chiều ngày 17/4, tại khách sạn Thanh Bình, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo “Tình hình thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định”. Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Hồ Quốc Dũng cùng đại diện các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và gần 20 doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Quang cảnh hội thảo.

Tại buổi Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương đã công bố Quyết định số 52/QĐ-UBND ngày 19/01/2010 của UBND tỉnh về phê duyệt điểu chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

Cũng theo báo cáo của Sở Công Thương, đến năm 2011 toàn tỉnh có 39 CCN với tổng diện tích 1.255 ha, hiện nay 23 CCN đã đi vào hoạt động, trong đó có 9 CCN lấp đầy 100%, 6 CCN lấp đầy từ 50% trở lên và 8 CCN lấp đầy dưới 50%. Các CCN này thu hút 456 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có quy mô vừa và nhỏ đầu tư sản xuất với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.780 tỷ đồng, vốn thực hiện 1.127 tỷ đồng, thực tế đã có 418 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất đi vào hoạt động, thu hút 16.000 lao động. Trong năm 2011, các DN đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp gần 990 tỷ đồng, chiếm 13,3% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kết quả này cho thấy tình hình đầu tư vào các CCN còn rất thấp.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã nêu ra các nguyên nhân của tình trạng này đó là: Công tác lập quy hoạch chưa tốt; một số CCN được quy hoạch nằm gần khu dân cư; một số DN sau khi giao đất chậm triển khai hoặc kéo dài thời gian xây dựng; chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng CCN đã không dự báo hết nguồn lực, khi triển khai thực hiện ngân sách tỉnh thiếu quá nhiều so với nhu cầu, do đó gặp khó khăn về vốn dẫn đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng còn chậm, tiến độ hoàn thành và đưa vào hoạt động không đạt mục tiêu đề ra; Việc thu hút đầu tư kinh doanh hạ tầng vào các CCN còn nhiều khó khăn, đặc biệt việc đối với các CCN ở các huyện miền núi do sức hấp dẫn yếu, xa trung tâm, không thuận lợi về giao thông; Công tác bồi thường GPMB và xây dựng khu tái định cư còn chậm, luôn gặp khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được tập trung tháo gỡ kịp thời. Sau khi công bố quy hoạch còn xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai trái phép nhưng việc xử lý của các cấp chính quyền cũng chưa dứt điểm; Chưa có đất đầy đủ kết cấu hạ tầng phục vụ công tác thu hút đầu tư, do đó nhiều DN xin đầu tư sản xuất ngoài KCN, CCN. Trong thu hút đầu tư chưa chú trọng các yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và khắc phục ô nhiễm môi trường; Hầu hết các CCN trong tỉnh đều được thành lập trên cơ sở đề xuất của địa phương, chưa dựa trên cơ sở nhu cầu và thực tế phát triển kinh tế của từng vùng. Vì vậy, việc bố trí không gian và ngành nghề sản xuất trong các CCN chưa hợp lý, nhiều dự án bố trí xây dựng không theo quy hoạch chi tiết. Đặc biệt liên kết giữa các CCN ở các huyện chưa được quan tâm thoả đáng; Công trình xử lý môi trường tại các CCN hầu như chưa có hoặc chưa hoàn chỉnh, chỉ có một số ít CCN thực hiện tốt công tác này. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong các CCN nhất là khói bụi, nước thải chưa được khắc phục triệt để, hiện nay chỉ có 16/23 CCN đã đi vào hoạt động có Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Công tác báo cáo và quan trắc môi trường hầu hết các DN chưa thực hiện đầy đủ; Đa số các DN trong các CCN chưa thực hiện đầy đủ các chế độ đối với người lao động, hợp đồng lao động chủ yếu theo mùa vụ, cũng chưa thực sự quan tâm đến điều kiện ăn ở cho người lao động, nên công tác tuyển dụng lao động khó khăn, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động ở một số nơi; Việc bố trí dân cư đan xen trong các CCN đã lấp đầy gây khó xử lý môi trường ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, tác động xấu đến đời sống của người dân ngoài ra còn gây mất trật tự an ninh cho các doanh nghiệp hoạt động trong các CCN.

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư lượt ghi các giải pháp được nêu ra tại Hội thảo là:

- Xây dựng chiến lược thu hút đầu tư linh hoạt, hiệu quả dựa trên quy hoạch chi tiết, định hướng đã đề ra. Quản lý chặt chẽ công tác thu hút đầu tư và cấp phép đầu tư vào các CCN trên cơ sở các quy định về đầu tư, kiên quyết thu hồi giấy phép đầu tư đối với các dự án treo...

- Lựa chọn các đơn vị tư vấn có năng lực và kinh nghiệm trong việc thực hiện quy hoạch, nhất là quy hoạch chi tiết các CCN phải đáp ứng tiềm năng phát triển SXCN của địa phương; thực hiện quản lý chặt chẽ, bố trí ngành nghề theo đúng phân khu chức năng, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về xây dựng theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.

- Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia vào việc đầu tư xây dựng hạ tầng CCN trên cơ sở các đánh giá chính xác về năng lực của các nhà đầu tư; đối với các nhà đầu tư có năng lực cần linh hoạt các cơ chế chính sách để gia tăng sức thu hút.

- Tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư. Thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông”, sẵn sàng lắng nghe, tích cực hỗ trợ giới thiệu địa điểm, hướng dẫn thủ tục đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho các DN trong quá trình hoạt động, đảm bảo giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, thiết thực làm hài lòng nhà đầu tư.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khác như về đất đai, đào tạo nguồn nhân lực và các dịch vụ hậu cần kèm theo, ngành điện có kế hoạch đầu tư, nâng cấp các trạm biến áp trong các CCN để có đủ kiện phục vụ sản xuất kinh doanh….

Kết luận tại buổi Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Hồ Quốc Dũng cho rằng hội thảo lần này có ý nghĩa rất quan trọng vì đây là giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế, việc đánh giá và tìm cách cải thiện môi trường đầu tư, nhất là đầu tư vào các CCN là việc làm hết sức quan trọng để thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, qua việc UBND các huyện, thị xã, thành phố vắng mặt tại Hội thảo này thể hiện sự thiếu trách nhiệm của mình trong việc góp phần thúc đẩy đầu tư kinh doanh của tỉnh. Ông cũng đề nghị các sở ngành liên quan rà soát lại các quy hoạch, chính sách ưu đãi đối với các CCN; tăng cường khuyến khích mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư hạ tầng CCN hạn chế việc sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư CCN, đi kèm với đó là tạo cơ chế chính sách tốt nhất cho các nhà đầu tư. Đối với phần ngân sách nhà nước cần tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc giải phóng mặt bằng, xử lý nước thải; tính toán mức giá cho thuê phù hợp đối với từng CCN. Giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động trong việc bố trí, sắp xếp doanh nghiệp vào CCN, kể cả việc đề xuất thu hồi các khu đất lãng phí. Các địa phương phải cải tiến cách thu hút đầu tư, kiện toàn, củng cố bộ máy BQL CCN. Đặc biệt chủ động, tăng cường tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.


Tin nổi bật Tin nổi bật