Thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Định
(binhdinh.gov.vn) - UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 93/KH-UBND về thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai kịp thời, hiệu quả, thống nhất và toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 1175/QĐ-UBND ngày 12/4/2023 của UBND tỉnh, nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật. Góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh về tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Theo kế hoạch, Sở Tư pháp có nhiệm vụ rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, thể chế bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật.
Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan, tổ chức có liên quan có nhiệm vụ Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân.
Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có nhiệm vụ nâng cao nhận thức, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao của từng cơ quan, đơn vị trong thi hành pháp luật, tăng cường hoạt động tự giám sát, tự kiểm tra quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ: Thường xuyên tiến hành rà soát, bảo đảm điều kiện, hướng dẫn, hỗ trợ người dân các thông tin pháp luật, thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp trong quá trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, nhất là trách nhiệm giải trình và công khai, minh bạch các nội dung trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân; tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; trao đổi, đối thoại; thực hiện dân chủ ở cơ sở; đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật ở các địa phương. Củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Thường xuyên củng cố và có giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của từng cơ quan, đơn vị trong bảo đảm, hỗ trợ việc tiếp cận pháp luật, nhất là trong giải quyết các công việc liên quan trực tiếp đến người dân, với trọng tâm: Xây dựng, triển khai chương trình bồi dưỡng, tập huấn theo định kỳ và tổ chức hội thảo, tọa đàm, thi chuyên môn nghiệp vụ, chú trọng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật người dân tộc thiểu số, người có uy tín tại cộng đồng. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật, tăng cường hiệu quả cung cấp thông tin theo yêu cầu; xây dựng, ban hành Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện chủ trì ban hành. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, thi đua, khen thưởng trong việc thi hành pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân và trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức trong các hoạt động liên quan đến tiếp cận
pháp luật của người dân.
Sở Tư pháp, UBND cấp huyện tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về trợ giúp pháp lý cho người dân. Xây dựng cơ chế thu hút luật sư, luật gia, người có kiến thức pháp luật, người có uy tín tham gia hòa giải ở cơ sở; xây dựng, nhân rộng mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp phát huy vai trò của mình trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật.