A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật: Nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới

(binhdinh.gov.vn) - Thực hiện nội dung Kết luận số 83-KL/TW ngày 29/7/2020 của Ban Chấp hành Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật; thời gian qua, tỉnh Bình Định đã tổ chức thực hiện nhiều biện pháp phù hợp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh.

Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật được tập trung triển khai thực hiện

Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 48-NQ/TW. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm; công tác kiểm tra, rà soát, tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác xây dựng và thực thi pháp luật được củng cố kiện toàn, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; vai trò của pháp luật và ý thức thượng tôn pháp luật trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan công quyền, trong đời sống xã hội ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Sở Tư pháp họp góp ý Thông tư quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. (Nguồn: stp.binhdinh.gov.vn)

Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 09/02/2021 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật và tăng cường hiệu quả công tác thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình Định. Theo đó, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tập trung xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND đảm bảo phù hợp với nội dung định hướng, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 48-NQ/TW; văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và tương thích với các quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp đã rà soát, xác định, đề xuất các nội dung định hướng, các lĩnh vực cần ưu tiên hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó tập trung vào thể chế hóa những nội dung định hướng đề ra tại Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX và những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn thực hiện quản lý nhà nước. Ngoài ra, các cấp, các ngành cũng thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18/6/2020 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời, thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật như: Tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tham gia xây dựng pháp luật, phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đó, nhìn chung, trong thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật đã được Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Định quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều thành quả quan trọng, thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế của đất nước.

Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật

Hiện nay, hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội đã có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được nâng lên và ngày càng hoàn thiện cả về nội dung, hình thức, kỹ thuật lập pháp, theo hướng thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật trên thực tế, tạo nền tảng thuận lợi cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Thiếu tính ổn định, nhiều lĩnh vực các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung trong thời gian ngắn, dẫn đến khó khăn trong áp dụng pháp luật. Tính thống nhất của hệ thống pháp luật chưa cao, còn tồn tại những văn bản mâu thuẫn, chồng chéo. Xây dựng pháp luật chưa thực sự gắn kết với tổ chức thi hành pháp luật, làm giảm hiệu lực pháp luật. Một số công đoạn trong quá trình xây dựng pháp luật chưa thật sự minh bạch. Năng lực tổ chức thực thi pháp luật của bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định. Ngoài ra, công cụ, tiêu chí chuẩn mực để đánh giá chất lượng hệ thống pháp luật nói chung và hiệu quả, hiệu lực thi hành pháp luật trên thực tế còn thiếu…

Trong giai đoạn hiện nay, tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động, diễn biến phức tạp, Việt Nam tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Bối cảnh trên đặt ra yêu cầu Đảng và Nhà nước ta phải tiếp tục đổi mới cả trong nhận thức và thực tiễn xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị, nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và đổi mới cơ chế hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật. Trong đó, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước dân chủ, văn minh, giàu mạnh là hết sức quan trọng và cũng là nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong thời gian tới.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật (Trong ảnh: Học sinh THPT trên địa bàn tỉnh tham gia vòng chung kết cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến “Pháp luật học đường” năm 2020 - baobinhdinh.vn).

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng tại các Chỉ thị, Nghị quyết, hệ thống pháp luật cần được tiếp tục xây dựng và hoàn thiện theo hướng:

Một là, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong đó, chú trọng các vấn đề như: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị: Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát, Mặt trận Tổ quốc, chính quyền địa phương...

Hai là, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân. Trong đó, chú trọng các vấn đề như: Hoàn thiện pháp luật về quyền dân sự, chính trị; pháp luật về quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực: kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo; pháp luật về quyền giám sát của cơ quan dân cử, của công dân và vấn đề bảo đảm sự tham gia của công dân vào quản lý nhà nước và xã hội…

Ba là, xây dựng và hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Trên cơ sở định hướng chung về hoàn thiện hệ thống pháp luật nêu trên, tỉnh Bình Định đề ra một số giải pháp cụ thể: Tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Hạn chế tình trạng ban hành “luật khung”; Tăng cường chất lượng của công tác thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn bản quy phạm pháp luật và trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; Đổi mới tổ chức, đầu tư nguồn nhân lực và kinh phí hoạt động cho các thiết chế trực tiếp tham gia vào việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật./.

Kim Loan


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật