A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác quản lý, điều hành giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh Bình Định

(binhdinh.gov.vn) - Nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh góp phần hỗ trợ vào việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá cả để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh xảy ra hoặc giảm thiểu đến mức thấp nhất các biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội của địa phương; Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Văn bản số 3107/UBND-TH.

Ảnh minh họa

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay một số nội dung trong Văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh có vướng mắc, chồng chéo liên quan đến lĩnh vực quản lý, điều hành giá; nhất là các nội dung về chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện công tác này. Chủ động theo dõi sát tình hình, diễn biến giá cả thị trường để kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp bình ổn giá phù hợp theo thẩm quyền pháp luật quy định; nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường giá cả và thực hiện chế độ báo cáo kịp thời theo quy định. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn Ngân sách Nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công… Tăng cường công tác kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề về quản lý giá, giám sát giá cả thị trường; xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về giá.

Sở Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả và thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm điều tiết, bình ổn thị trường, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn, trong thời gian diễn ra dịch bệnh như: thóc, gạo, thịt lợn, gas, xăng dầu...; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các biện pháp xử lý để tránh tình trạng khan hiếm cục bộ, giả tạo, đầu cơ tăng giá, sốt giá ảo, … gây bất ổn thị trường.

Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường việc kiểm tra, thanh tra thị trường để xử lý vi phạm đối với các hành vi găm hàng, đầu cơ, nâng giá bất hợp lý; phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, cung cầu mặt hàng thịt lợn để triển khai các biện pháp cân đối cung cầu phù hợp. Triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là kiểm soát, kiềm chế dịch tả lợn Châu Phi; phòng, chống dịch Viêm da nổi cục ở trâu, bò theo Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 26/5/2021 của UBND tỉnh; không để dịch bệnh tái phát và lây lan diện rộng. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi thực hiện tái đàn, tăng đàn; thúc đẩy chăn nuôi hộ gia đình để bù đắp nguồn cung thiếu hụt; tăng cường việc nhân giống, cung ứng lợn giống có chất lượng với giá cả hợp lý cho người dân để thực hiện tái đàn, tăng đàn phù hợp với dự báo về cầu và giá cả thị trường theo mục tiêu, kế hoạch đề ra. Đồng thời, đẩy mạnh vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xây dựng các chuỗi đảm bảo cung ứng thịt lợn trong mùa dịch và ổn định thị trường trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Sở Y tế tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc việc kê khai giá tại Sở Y tế đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ mức giá kê khai, kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của các yếu tố đầu vào và mặt bằng giá cả thị trường. Quản lý theo thẩm quyền đối với giá thuốc, giá các trang thiết bị, dịch vụ y tế; theo dõi, kiểm tra hoạt động của các cơ sở y, dược trên địa bàn tỉnh theo quy định của Nhà nước nhằm bảo đảm yêu cầu, tiêu chuẩn về giá cả và chất lượng thuốc, trang thiết bị, dịch vụ y tế. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương trong triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, của Bộ Y tế và UBND tỉnh. Theo dõi sát tình hình giá cả thị trường các mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn tay và hàng hóa vật tư, thiết bị y tế khác phục vụ phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; chủ động đánh giá tình hình thực tế tại địa phương, trường hợp cần thiết phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh áp dụng biện pháp kê khai giá khẩu trang, nước sát khuẩn tay và hàng hóa vật tư, thiết bị y tế khác phục vụ phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo phân cấp thẩm quyền được pháp luật quy định trong giai đoạn dịch bệnh.

Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của các yếu tố đầu vào và mặt bằng giá cả thị trường.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng (nhất là giá thép và các loại vật liệu xây dựng chủ yếu phục vụ hoạt động xây dựng) và chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá; hướng dẫn cho các chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm soát giá xây dựng cho phù hợp theo quy định hiện hành của Nhà nước; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh và nghiêm túc thực hiện các nội dung theo Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 08/01/2020 của UBND tỉnh về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, lành mạnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý các hành vi sử dụng đất không đúng quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật; quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản; công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch; thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... Có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất đưa ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường theo dõi, quản lý thông tin tuyên truyền và giám sát thông tin trên mạng, các nền tảng số, không để những thông tin thất thiệt gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường; chủ động tuyên truyền về công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá và của UBND tỉnh, nhất là việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch; tình hình, kết quả thực hiện công khai, minh bạch thông tin về giá của các cơ quan, đơn vị, … góp phần kiểm soát lạm phát kỳ vọng và tạo sự đồng thuận trong dư luận.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 02/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh Covid19 theo chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh. Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị và lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra theo thẩm quyền việc thực hiện các quy định về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết trên địa bàn. Chỉ đạo việc đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để tăng cường lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, đầu cơ,... Trường hợp phát hiện có hiện tượng tăng giá đột biến do hành vi tin đồn thất thiệt, đầu cơ găm hàng, liên kết độc quyền mua, độc quyền bán thì chủ động báo cáo cho UBND tỉnh để xem xét, có biện pháp xử lý kịp thời nhằm ổn định giá cả thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát. Chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra; ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng; kiểm tra chặt chẽ việc buôn bán vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch và các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; làm tốt công tác thú y, phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm.

TL


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật