A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết quả 10 năm thực hiện Chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2011-2021

(binhdinh.gov.vn) - Trong giai đoạn 2011-2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đối với Người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) phù hợp từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cụ thể: Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 về Chính sách đối với NCUT trong đồng bào DTTS; Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg ngày 07/10/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg; Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 về tiêu chí lựa chọn, công nhận NCUT và chính sách đối với NCUT trong đồng bào DTTS… UBND tỉnh cũng đã kịp thời ban hành các Văn bản tổ chức triển khai thực hiện. Qua 10 năm thực hiện Chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã phát huy những kết quả tích cực, NCUT đã phát huy vai trò là “cầu nối” giữa Nhân dân với Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

Trên địa bàn tỉnh Bình Định, có 39 dân tộc thiểu số sinh sống, với khoảng 41.768 người, chiếm 2,81% dân số toàn tỉnh, trong đó có 3 dân tộc cư trú lâu đời là Bana có 21.650 người (chiếm 51,86%), H’rê có 11.112 người (chiếm 26,6%), Chăm có 6.364 người (chiếm 15,2%) và các dân tộc thiểu số khác nhập cư.

Trong 10 năm qua, để đảm bảo chính sách đối với NCUT trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Định hoạt động hiệu quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan củng MTTQ và các hội, đoàn thể xây dựng Kế hoạch thực hiện chính sách NCUT trên địa bàn tỉnh; ban hành Quy định về phân công quản lý nhà nước và vai trò, trách nhiệm của NCUT. Các chế độ, chính sách đối với NCUT trên địa bàn tỉnh hàng năm được thực hiện đảm bảo kịp thời, đúng định mức theo quy định, cụ thể:

- Về cung cấp thông tin: Đã tổ chức 34 cuộc phổ biến kiến thức, cung cấp thông tin cho 824 lượt NCUT tham gia; tổ chức 06 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức cho 640 lượt NCUT trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức được 21 cuộc thăm quan, giao lưu, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh với 436 NCUT tham gia, trong đó, cấp tỉnh tổ chức đi tham quan ngoài tỉnh được 07 cuộc với gần 166 NCUT tham gia. Có hơn 122 NCUT được cấp Báo Dân tộc & Phát triển của Ủy ban Dân tộc và Báo Bình Định định kỳ. Ngoài ra, đã thực hiện Chính sách cấp một số ấn phẩm, báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Về hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần và khen thưởng đối với NCUT: Cấp tỉnh: Hỗ trợ, thăm hỏi tặng quà cho NCUT gặp khó khăn do thiên tai 24 đợt với 362 lượt người; ốm đau 10 đợt với 11 lượt người; qua đời với 05 lượt người. Thăm hỏi tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán cho 1.143 lượt người. Cấp huyện: Hỗ trợ, thăm hỏi tặng quà cho người có uy tín ốm đau 44 đợt với 65 lượt người; hỗ trợ, thăm hỏi tặng quà cho người có uy tín gặp khó khăn do thiên tai 23 đợt với 274 lượt người; hỗ trợ thăm hỏi, tặng quà cho người có uy tín và người thân qua đời với 14 lượt người. Tổ chức tặng thưởng giấy khen 02 đợt, 30 lượt người. Tổ chức bình chọn và đưa 100 người người có uy tín trong đồng bào DTTS tham dự “Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ trí thức và doanh nhân tiêu biểu DTTS toàn quốc năm 2017” do Ủy ban Dân tộc tổ chức; tham dự, tôn vinh trong Chương trình “Điểm tựa bản làng” do Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tổ chức; tham dự Hội thảo, Hội nghị, tập huấn An Toàn Giao thông, thông tin đối ngoại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên...

Bok Vin (người thứ 4 từ trái sang) là người có uy tín của làng Kon Blo (K8), xã vùng cao Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh.

Nhờ đẩy mạnh công tác vận động, phát huy vai trò của NCUT trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong những năm qua vai trò, trách nhiệm, vị trí của NCUT ngày càng được nâng cao. Trong tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, NCUT đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do huyện, tỉnh và các cấp, các ngành phát động; đã huy động được sự ủng hộ to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thuận, tham gia tích cực trong các phòng trào phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; tích cực đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, NCUT luôn đi đầu trong việc phát triển kinh tế gia đình, kinh tế hộ. Đồng thời vận động, hướng dẫn người thân, gia đình và bà con trong thôn cùng nhau phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Vì vậy, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số những năm qua không ngừng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 4 đến 5%, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện rõ rệt. Trong giữ gìn an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, NCUT có vai trò quan trọng trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, thông qua việc giải thích, vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu xúi giục. Các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư”. Nhờ đó đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, hạn chế được tình trạng du canh, du cư, tranh chấp đất đai, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã trái phép, không tham gia, hoạt động truyền đạo trái phép ở các xã vùng sâu và vùng giáp ranh. Tích cực vận động đồng bào các dân tộc thiểu số đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, giũ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tham gia thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn đân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hưởng ứng thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và phong trào xoá nhà tạm, nhà ở đơn sơ, dột nát; chấp hành pháp luật; thực hiện văn minh trong tiệc cưới, tang, lễ hội; thực hiện tốt các quy ước, hương ước ở khu dân cư; đồng thời tham gia giải quyết tốt các mâu thuẫn trong nội bộ dân cư như khiếu kiện, tranh chấp đất đai, nạn tảo hôn, tự tử, cầm đồ thuốc độc, mê tín dị đoan.

Các già làng, người có uy tín huyện An Lão tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ 3 năm 2019.

Trong giai đoạn tới, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước cũng như của tỉnh trong đầu tư, hỗ trợ các chương trình, chính sách để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững như Chương trình 135 về hỗ trợ cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã ĐBKK, các thôn (làng) ĐBKK theo Quyết định số 551/QĐ-TTg; Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đặc biệt khó khăn theo Quyết định 755/QĐ-TTg, Quyết định 2085/QĐ-TTg; Chính sách hỗ trợ di dân, thực hiện định canh, định cư cho đồng vào DTTS theo Quyết định 33/2013/QĐ- TTg; Chính sách cho vay đối với hộ nghèo là người DTTS ở các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định 54/2012/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo của cả nước theo Nghị quyết 30a/NQ- CP của Chính phủ; Chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và nhiều chương trình, dự án khác đã và đang được đầu tư, hỗ trợ trên địa bàn. Để các chương trình, dự án, chính sách của Trung ương thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, có một phần đóng góp, sự phối hợp rất nhịp nhàng của đội ngũ những người có uy tín trong đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh. Chính vì vậy, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện cho đội ngũ những NCUT hoạt động để phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình, góp phần vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh./.

TH


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật