Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trên địa bàn tỉnh
(binhdinh.gov.vn) - Tại Công văn số 9483/UBND-TH ngày 22/11/2024, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số nội dung chủ yếu trong công tác quản lý, điều hành giá trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: moit.gov.vn)
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại các Văn bản: số 8036/UBND-TH ngày 30/10/2023, số 509/UBND-TH ngày 19/01/2024, số 3883/UBND-TH ngày 23/5/2024, số 5294/UBND-TH ngày 11/7/2024 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành giá những tháng còn lại năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Định. Trong đó, các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại để ổn định thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng, góp phần ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không lành mạnh về giá. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời về tình hình thị trường giá cả; công khai, minh bạch thông tin về giá; công khai kết quả kiểm tra, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trên Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đối với phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về giá trên địa bàn tỉnh theo quy định Luật Giá và các văn bản có liên quan, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, UBND tỉnh đã có Văn bản số 4947/UBND-TH ngày 01/7/2024; sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ quản lý giá thuộc thẩm quyền, trách nhiệm theo quy định.
Đối với các mặt hàng cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp. Trong đó, về xăng dầu, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu…
Về bất động sản, vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp tăng nguồn cung, công khai minh bạch thông tin các dự án bất động sản đã cấp phép; rà soát, có biện pháp đề xuất xử lý phù hợp theo thẩm quyền và quy định pháp luật có liên quan; đẩy mạnh các giải pháp phát triển nhà ở xã hội. Thực hiện công bố giá, chỉ số giá vật liệu xây dựng hàng tháng, đảm bảo sát với biến động của thị trường; đồng thời, chú trọng xử lý các vấn đề về nguồn cung nguyên vật liệu đáp ứng nhu cầu cho thị trường, nhất là việc triển khai các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Về lương thực, thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát diễn biến, tình hình nguồn cung, giá cả hàng nông sản, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng; kịp thời điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu của người dân; bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, không để xảy ra thiếu lương thực, thực phẩm trong những tháng cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Về dịch vụ giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động xem xét mức điều chỉnh học phí của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục phổ thông công lập năm 2024 - 2025 cho phù hợp. Tại các địa phương bị thiên tai, bão lũ, các địa phương thực hiện rà soát điều kiện học tập của học sinh về trường học, sách giáo khoa, vệ sinh, anh ninh, an toàn trường học cho các học sinh đảm bảo các điều kiện cho năm học 2024 - 2025./.