A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tình hình thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng ngừa nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm

(binhdinh.gov.vn) - Thời gian qua, tình hình thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) liên quan đến phòng ngừa nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm và tình hình tổ chức thi hành pháp luật về xử lý hành vi nhũng nhiễu trên địa bàn tỉnh được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực.

Thực hiện giám sát việc ban hành văn bản QPPL tại UBND TP Quy Nhơn. (Ảnh: Nguyễn Văn Trang - baobinhdinh.com.vn)

Nhằm triển khai có hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL; ngày 18/12/2017, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 76/2017/QĐ-UBND ban hành Quy định về quy trình, trách nhiệm xây dựng văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, HĐND, UBND tỉnh đã thông qua và ban hành 364 văn bản QPPL; trong đó, HĐND tỉnh thông qua 133 Nghị quyết và UBND tỉnh ban hành 231 Quyết định. Các văn bản QPPL được HĐND, UBND tỉnh thông qua, ban hành đã tuân thủ quy trình xây dựng văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015.

Các dự thảo văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh trước khi gửi Sở Tư pháp thẩm định đã tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan, đối tượng chịu sự tác động. Trên cơ sở ý kiến tham gia, cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổng hợp, giải trình nội dung cần tiếp thu để chỉnh sửa dự thảo văn bản, nội dung không tiếp thu cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã có nội dung giải trình cụ thể lý do không tiếp thu. Do đó, quá trình tiếp thu, chỉnh lý những nội dung tham gia góp ý dự thảo văn bản đảm theo quy định góp phần hạn chế, ngăn ngừa nguy cơ dẫn đến lợi ích nhóm trong việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL.

Các văn bản QPPL của HĐND, UBND tỉnh trước khi ban hành đã được Sở Tư pháp tổ chức thẩm định, trừ những Nghị quyết không do UBND tỉnh trình. Việc tổ chức thẩm định văn bản QPPL được đảm bảo về thời gian, thành phần hồ sơ theo quy định. Riêng đối với các văn bản có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực hoặc do Sở Tư pháp tổ chức soạn thảo, Giám đốc Sở Tư pháp đã thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định bao gồm đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia… đảm bảo theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL. Đối với các dự thảo văn bản QPPL là Nghị quyết của HĐND tỉnh, ngoài việc tổ chức thẩm định theo quy định Điều 121 Luật Ban hành văn bản QPPL, các Ban của HĐND tỉnh tổ chức thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh thông qua.

Để triển khai có hiệu quả quy định của pháp luật hiện hành về xử lý hành vi nhũng nhiễu, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tại địa phương tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy định việc tiếp công dân, tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân theo đúng quy định; đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu thực hiện và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao. Tiếp tục chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo đúng Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; khắc phục tình trạng chồng chéo, gây phiền hà, sách nhiễu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Chấn chỉnh công tác quản lý; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp; đảm bảo giải quyết dứt điểm, kịp thời các kiến nghị, phản ánh, tố cáo của người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức cung cấp dịch vụ công, coi đó là thước đo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ; chú trọng việc giám sát thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và những việc không được làm của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện phương châm: kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ. Rà soát, đánh giá, kịp thời chấn chỉnh, thay thế, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất đạo đức, có nhiều dư luận về tiêu cực, hành vi nhũng nhiễu. Tăng cường công tác quản lý chặt chẽ cán bộ, công chức, viên chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước; giáo dục, kiểm tra, nhắc nhở, ngăn ngừa các biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp; công khai kết quả xử lý các sai phạm. Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tăng cường phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án trong quá trình xử lý tin báo tố giác tội phạm; công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; nhất là hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết yêu cầu được bảo vệ của người tố cáo và có chế tài xử lý, có hình thức khen thưởng, động viên, khích lệ đối với những đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện, chấp hành tốt.

Theo đó, công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Bình Định trong thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

(Theo Báo cáo số 158/BC-UBND ngày 20/8/2019 của UBND tỉnh)

Kim Loan


Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật