Toàn tỉnh chủ động, sẵn sàng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân
Theo văn bản, tỉnh Bình Định đến nay chưa phát hiện trường hợp nào mắc COVID-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới và trong nước vẫn đang diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành, các địa phương phải luôn luôn đề cao cảnh giác, không được chủ quan lơ là, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để ứng phó với mọi tình huống, diễn biến của dịch.
Để chủ động, sẵn sàng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, mặt trận, hội, đoàn thể trong tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện ngay các nhiệm vụ sau đây:
a) Tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương liên quan, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19; phòng, chống dịch cần "Bình tĩnh nhưng không chủ quan, quyết liệt nhưng không nóng vội, từng bước khôi phục các hoạt động về trạng thái bình thường".
b) Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh trên bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia hàng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng để triển khai các biện pháp phòng chống dịch; sẵn sàng lực lượng, phương tiện đáp ứng các tình huống phòng, chống dịch khi có tình huống khẩn cấp.
c) Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế); nhất là đeo khẩu trang bắt buộc khi ra khỏi nhà, khai báo y tế đầy đủ, trung thực, không tụ tập đông người; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
d) Cùng với thực hiện tốt việc khai báo y tế để mới truy vết, khoanh vùng, dập dịch, cần đồng thời kết hợp tuyên truyền vận động người dân cung cấp thông tin, phát giác người có nguy cơ mắc bệnh; phát huy vai trò của các tổ chống dịch cộng đồng cùng với địa phương, cơ quan công an giám sát thường xuyên địa bàn, "đi từ ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng".
đ) Kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đồng thời đẩy mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm thực hiện "mục tiêu kép" được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
2. Cho phép học sinh, sinh viên và học viên các cơ sở giáo dục và giáo dục nghề nghiệp đi học lại từ ngày 01/3/2021.
Giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với Sở Y tế có văn bản hướng dẫn cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp triển khai đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 để sẵn sàng đón học sinh, sinh viên và học viên quay lại trường học tập.
Thủ trưởng các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp (kể cả các trường đại học, cao đẳng của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh) có trách nhiệm thông báo rộng rãi cho tất cả học sinh, sinh viên và học viên trở về từ vùng/địa phương có dịch hoặc từng di chuyển đến vùng/địa phương có dịch phải thực hiện khai báo y tế đẩy đủ, trung thực để được theo dõi sức khỏe; thực hiện kiểm tra sức khỏe đối với các trường hợp có các yếu tố nguy cơ để có biện pháp xử lý phù hợp (cách ly y tế, xét nghiệm…); triển khai hoạt động khai báo y tế trực tuyến hàng ngày cho toàn thể học sinh, sinh viên, học viên và giáo viên, giảng viên, nhân viên của nhà trường. Các cá nhân cố tình khai báo không trung thực hoặc không tuân thủ việc cách ly theo quyết định của cấp có thẩm quyền sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
3. Giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định việc tổ chức các sự kiện có tập trung đông người và phải đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, hướng dẫn của cơ quan y tế.
4. Cho phép Bảo tàng Quang Trung hoạt động trở lại kể từ 0h00 ngày 27/02/2021 và phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
5. UBND thành phố Quy Nhơn chỉ đạo tạm dừng hoạt động 02 chốt kiểm tra y tế đặt tại: Ga Quy Nhơn và Quốc lộ 1D Quy Nhơn - Sông Cầu kể từ 0h00 ngày 28/02/2021.
6. Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch; tuyên truyền, vận động người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone; triển khai thực hiện khai báo y tế bằng mã QR-CODE tại các địa điểm yêu cầu khai báo theo quy định. Công sở, bệnh viện, trường học, siêu thị, chợ truyền thống, các cơ sở lưu trú, nhà hàng… đều phải thực hiện kiểm soát y tế khách đi và đến bằng mã QR-CODE.
7. Sở Y tế rà soát, chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết (nhân lực, vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ xét nghiệm, công cụ, phương tiện, kể cả bệnh viện dã chiến), sẵn sàng cho các tình huống dịch bệnh, kể cả tình huống xấu nhất có thể xảy ra; triển khai ngay việc tiêm vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên theo quy định của Chính phủ và Bộ Y tế sau khi nhận được vắc xin và hướng dẫn tiêm phòng của Bộ Y tế.
8. Bộ Chỉ huy Bội đội biên phòng, Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, Cảng Quy Nhơn phối hợp ngăn chặn việc nhập cảnh trái phép qua đường biển, đồng thời có biện pháp chủ động phòng, chống dịch và bảo đảm lưu thông hàng hóa bình thường.
9. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã, thành phố, nhất là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly tập trung, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm quy định cách ly tập trung và tăng cường giám sát việc thực hiện cách ly y tế, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lây nhiễm trong khu cách ly tập trung.
10. Sở Giao thông Vận tải tiếp tục thanh tra, kiểm soát các nhà xe, chủ phương tiện vận tải hành khách công cộng đến/về Bình Định từ các vùng/địa phương có dịch phải lập danh sách hành khách, nơi đi, nơi thường trú, nơi ở trước đó, nơi đến của hành khách, số điện thoại liên hệ; tuyệt đối không được vận chuyển hành khách từ những địa phương có ổ dịch, không trả khách dọc đường để đảm bảo kiểm soát, cách ly người đến/về Bình Định từ vùng dịch; tăng cường thanh tra; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
11. Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, không để xảy ra tình trạng người nhập cảnh trái phép vào tỉnh, có nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kể cả xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
12. UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết (nhân lực, vật tư, công cụ, phương tiện) phục vụ công tác phòng, chống dịch theo đúng phương châm “bốn tại chỗ”.
13. Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm công tác quản lý đối với các trường hợp xin nhập cảnh Việt Nam đến Bình Định để làm việc để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19. Các trường hợp người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp nhập cảnh Việt Nam đến Bình Định để làm việc, thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Công văn số 2847/CV-BCĐ ngày 23/5/2020 và Công văn số 3949/CV-BCĐ ngày 24/7/2020.
14. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch và các đơn vị liên quan đề xuất triển khai cơ sở cách ly y tế tập trung tại khách sạn để đảm bảo việc cách ly y tế tập trung đối với chuyên gia nhập cảnh và một số đối tượng có đủ điều kiện chi trả chi phí cách ly theo đúng hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.
15. Sở Tài chính chủ động phối hợp với Sở Y tế tham mưu cho UBND tỉnh việc đảm bảo kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất, sinh phẩm… phục vụ phòng chống dịch; thực hiện đảm bảo chế độ chính sách cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch theo Nghị quyết của Chính phủ.
16. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các hội, đoàn thể vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
17. Đề nghị nhân dân trong tỉnh thực hiện yêu cầu 5K; cùng đoàn kết, đồng lòng, chia sẻ, tham gia với các cấp, các ngành trong tỉnh phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng./.
KY