|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai các giải pháp quản lý động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn)-Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và tăng cường các biện pháp phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương trong việc quản lý động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các sở, ngành, hội, đoàn thể và các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện những giải pháp cụ thể tại Công văn số 5740/UBND-KT ngày 25/8/2020.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các sở, ngành, hội, đoàn thể và các xã, phường, thị trấn tổ chức quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân tại đơn vị, địa phương mình nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý động vật hang dã; đặc biệt không mua, bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định, các tổ chức hội, đoàn thể của tỉnh, các đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý động vật hoang dã tới các cộng đồng dân cư. Phổ biến, tuyên truyền cho mọi công dân, đặc biệt cán bộ, công chức, viên chức và người thân không tham gia săn, bẫy, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu các loài động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã trái pháp luật và kịp thời thông báo các hành vi vi phạm tới cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương. Phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm các quy định về quản lý động vật hoang dã, nhằm kịp thời xử lý vướng mắc có liên quan đến các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này theo đúng quy định của pháp luật. Phối hợp, cung cấp cơ sở dữ liệu các cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng vì mục đích thương mại các loài động vật hoang dã thuộc danh mục loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm cho Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm - Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện việc đăng ký gây nuôi các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm đúng quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; xây dựng kế hoạch phối hợp với cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động kinh doanh, gây nuôi, vận chuyển trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các sân bay, cảng biển, đường bộ, đường mòn lối mở qua các tỉnh giáp ranh; tập trung phát hiện, xử lý dứt điểm các tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật, bao gồm cả mẫu và mẫu vật giả. Lập cơ sở dữ liệu về các cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng vì mục đích thương mại các loài động vật hoang dã thuộc danh mục loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm tham mưu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý động vật hoang dã trên địa bàn quản lý.

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Chi cục Kiểm lâm kiểm tra điều kiện vệ sinh cơ sở chăn nuôi động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; cấp Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của pháp luật. Thực hiện công tác kiểm tra dịch bệnh, vệ sinh thú y tại các cơ sở gây nuôi theo quy định. Chỉ đạo các trạm kiểm dịch động vật, cơ quan chuyên môn về thú y cấp huyện trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch động vật, nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có vận chuyển động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã (có giấy tờ hoặc không có giấy tờ hợp pháp) thì thông báo nhanh cho Hạt Kiểm lâm sở tại phối hợp kiểm tra thủ tục vận chuyển đúng theo quy định của pháp luật. Tổ chức kiểm tra, theo dõi, thu thập thông tin các loài thủy sinh vật ngoại lai để kịp thời đề xuất các biện pháp phòng ngừa và quản lý hiệu quả.…

 Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền các quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật. Đồng thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Cấp giấy phép trao đổi, mua, bán, tặng cho, thuê, lưu giữ, vận chuyển mẫu vật của loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ và Cấp Giấy chứng nhận Cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.

Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nông nghệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên lĩnh vực quản lý động vật hoang dã tới các cộng đồng dân cư. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện rà soát văn bản, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về quản lý động vật hoang dã của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

 Sở Công Thương Tham gia, phối hợp với Cục Quản lý Thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn các hành vi kinh doanh, vận chuyển trái pháp luật các loài động vật hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

Công an tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trực tiếp là Chi cục Kiểm lâm tỉnh) và các ngành chức năng điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, tập trung triệt phá các đường dây tội phạm trong việc mua, bán, tàng trữ, vận chuyển. Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ, đường thủy phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát các trường hợp có dấu hiệu vận chuyển trái pháp luật các loài động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Chỉ đạo công an các huyện, thị xã và thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tổ chức giám sát, điều tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Bình Định và từ các tỉnh khác vận chuyển về Bình Định.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác ngăn ngừa, đấu tranh, triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức trong việc mua, bán, vận chuyển trái pháp luật các loài động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

Cục Hải quan Bình Định phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp nhập khẩu động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã trái với Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Cục Quản lý thị trường Bình Định chủ trì, phối hợp với Sở Công thương xây dựng kế hoạch phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn các hành vi kinh doanh, vận chuyển trái pháp luật các loài động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp.

 Các sở: Du lịch, Văn hóa và Thể thao, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý động vật hoang dã và các giải pháp bảo vệ động vật hoang dã; phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng mạng viễn thông, internet,… nhằm mục đích quảng cáo, trưng bày, truyên truyền, mua, bán động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã trái pháp luật.

Sở Tài chính Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí kịp thời để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động tổ chức tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp về săn, bắt, vận chuyển, nuôi nhốt, giết mổ, chế biến, kinh doanh trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan tích cực phối hợp, hỗ trợ Hạt Kiểm lâm tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quản lý động vật hoang dã. Tổ chức triển khai cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh ký cam kết không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh nếu để xảy ra tình trạng săn, bẫy, bắt, vận chuyển, nuôi, nhốt, giết mổ, chế biến, kinh doanh trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã trên địa bàn mà không có biện pháp xử lý kiên quyết.

 Đề nghị các hội, đoàn thể của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý động vật hoang dã và các giải pháp bảo vệ động vật hoang dã đến cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên của đơn vị, địa phương biết, thực hiện.

 Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý động vật hoang dã và các giải pháp bảo vệ động vật hoang dã trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh; kịp thời đưa tin những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, những tấm gương điển hình tốt về bảo tồn, kiểm soát buôn bán động vật hoang dã để nhân rộng; tích cực phát hiện và lên án mạnh mẽ những hành vi, việc làm trái quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước CITES.

 Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp kết quả tổ chức thực hiện của các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo./.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật