A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi giai đoạn 2020 – 2025

(binhdinh.gov.vn)-Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), giai đoạn 2020 - 2025.

Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành  phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các cấp khẩn trương xây dựng, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt, bố trí kinh phí và các nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống bệnh DTLCP của địa phương. Kế hoạch của địa phương phải có mục tiêu, giải pháp cụ thể và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm thống nhất với các nội dung của Kế hoạch quốc gia.

Tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh DTLCP theo nguyên tắc tuân thủ và thực hiện những nội dung, giải pháp tại Kế hoạch quốc gia nêu trên; cũng như những biện pháp cụ thể tại các văn bản của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống  bệnh DTLCP, văn bản của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các văn bản hướng dẫn kỹ thuật của Cục Thú y; lưu ý thời điểm công bố hết dịch là 21 ngày kể từ ngày con vật mắc bệnh cuối cùng bị chết, bị tiêu hủy, giết mổ bắt buộc mà không có con vật nào bị mắc bệnh hoặc chết vì bệnh DTLCP. Đồng thời đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý ổ dịch theo quy định.

Đồng thời tổ chức Tháng vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu độc trước các thời điểm có nguy cơ cao phát sinh DTLCP tại địa phương; tại các địa phương có dịch cần thường xuyên tổ chức sát trùng bằng vôi bột, hóa chất và vệ sinh để tiêu diệt mầm bệnh.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình cơ sở chăn nuôi để bảo đảm áp dụng có hiệu  quả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh phù hợp với điều  kiện và quy mô chăn nuôi; chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành mầm bệnh  DTLCP để cảnh báo cộng đồng và có cơ sở triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tổ chức chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, còn ở diện hẹp; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo, bán chạy lợn bệnh, lợn chết, vứt xác lợn chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.

Cùng với đó, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi, sản xuất thịt lợn an toàn dịch bệnh; cần có Kế hoạch tổng thể về xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh được UBND cấp tỉnh phê duyệt, chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp tổ chức thực hiện hiệu quả.

Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống đài truyền thanh cơ sở tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống. Tổ chức ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn, các sản phẩm lợn qua biên giới.

Thực hiện Văn bản số 5319/BNN-TY ngày 11/8/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; tại Văn bản số 5663/UBND-KT ngày 21/8/2020, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT tại văn bản nêu trên; đồng thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thực hiện các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

Thùy Trang


Tin nổi bật Tin nổi bật