A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

(binhdinh.gov.vn) - Để chủ động tổ chức kiểm soát hiệu quả, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện trên diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và duy trì phát triển chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai một số nhiệm vụ.

Ảnh minh họa

Theo đó, quán triệt, tổ chức triển khai đầy đủ các nội dung theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 31/12/2020 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị 06/CT-UBND ngày 26/5/2021 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh, Văn bản số 4080/UBND-KT ngày 09/7/2021 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng vi rút Cúm gia cầm thể độc lực cao khác trên địa bàn tỉnh và các hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT.

Sở Nông nghiệp và PTNT kiện toàn các Tổ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật của Sở; chủ động kiểm tra công tác tổ chức tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh tại các địa phương. Báo cáo UBND tỉnh những địa phương còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, chậm tiến độ và tỷ lệ tiêm phòng thấp; nhất là tỷ lệ tiêm phòng vaccine Cúm gia cầm để chỉ đạo kịp thời. Tổ chức phát động tháng ra quân tổng vệ sinh sát trùng môi trường từ ngày 25/10 - 25/11/2021 trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường. Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công tác này tại các địa phương.

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân công lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn công tác tiêm phòng, quản lý chăn nuôi, giám sát dịch bệnh, tiêu độc sát trùng, phòng chống dịch bệnh tại các địa phương. Phát huy hoạt động Tổ cơ động chống dịch, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương kịp thời chống dịch khi xảy ra. Đồng thời, cung ứng kịp thời và đầy đủ nguồn vaccine, phục vụ công tác tiêm phòng vaccine LMLM gia súc, Cúm gia cầm đợt II/2021. Tăng cường công tác kiểm dịch tại gốc; kiểm soát hoạt động kiểm tra, phúc kiểm các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại các chốt kiểm dịch đầu mối giao thông; kiểm tra hoạt động mua bán các loại vaccine không bảo đảm chất lượng theo quy định. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đề nghị lực lượng Công an phối hợp khi cần thiết. Hướng dẫn các địa phương ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến qua hệ thống VAHIS; áp dụng hình thức trực tuyến để tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh, tổ chức lấy mẫu giám sát, xét nghiệm… nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vaccine LMLM gia súc, Cúm gia cầm đợt II/2021 trong điều kiện thuận lợi về thời tiết và dịch bệnh Covid19; Chú trọng tiêm phòng vaccine Cúm gia cầm; đảm bảo đạt tỷ lệ theo kế hoạch đề ra. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để dịch bệnh xảy ra do chủ quan, lơ là và tỷ lệ tiêm phòng thấp. Tổ chức tháng tổng vệ sinh, sát trùng từ ngày 25/10 - 25/11/2021 thuộc địa bàn nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường, nhất là những vùng có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, vùng nguy cơ cao, các ổ dịch cũ. Vận động các cơ sở chăn nuôi chủ động duy trì thực hiện công tác này. Thành lập các Tổ công tác liên ngành tổ chức kiểm tra công tác tiêm phòng, quản lý chăn nuôi, tái đàn, phòng, chống dịch bệnh động vật. Kiểm tra hoạt động mua bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật, vaccine thú y thuộc địa bàn; nhất là trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định. Xây dựng và phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022; đảm bảo bố trí đủ kinh phí, phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thuộc địa bàn quản lý.

Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và các địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người chăn nuôi chấp hành tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh gia súc, gia cầm; chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói rét trong mùa mưa bão, chăn nuôi an toàn sinh học và hợp tác với chính quyền địa phương, thú y cơ sở trong việc phát hiện, báo cáo nhanh tình hình dịch bệnh động vật, để được phối hợp xử lý kịp thời. Đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo quy định: Thực hiện công tác khai báo dịch bệnh, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh bằng nhiều hình thức phù hợp; nhất là qua hệ thống trực tuyến, truyền hình, phát thanh, điện thoại, mạng xã hội… để được phối hợp hỗ trợ xử lý kịp thời.

Chỉ đạo UBND cấp xã, giao trách nhiệm cho Trưởng cấp thôn và Thú y cơ sở trong công tác theo dõi chăn nuôi, giám sát tình hình dịch bệnh; nhất là dịch Cúm gia cầm, Dịch tả heo Châu Phi, LMLM gia súc và Viêm da nổi cục trâu, bò. Phát hiện, báo cáo nhanh dịch bệnh để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý kịp thời, hạn chế lây lan dịch bệnh và thiệt hại cho người chăn nuôi.

TL


Tin nổi bật Tin nổi bật