A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Định triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Bình Định chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”

(binhdinh.gov.vn) - Trong thời gian qua, phong trào thi đua “Bình Định chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2020 đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, của các cấp, các ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã phát huy được tính tích cực, sáng tạo và nỗ lực của người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ảnh minh họa (Nguồn: baobinhdinh.com.vn)

Hưởng ứng Phong trào thi đua của Trung ương và của tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thi đua xây dựng nông thôn mới. Qua đó, đã giúp cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện, nhiều hộ gia đình nghèo, khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các địa phương cũng tổ chức thực hiện có kết quả các chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Định giai đoạn 2016 - 2020. Thông qua nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác, các cấp, ngành, địa phương đã thực hiện hỗ trợ 1.317 công trình hạ tầng cho các xã thuộc huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, với tổng số hộ dân được hưởng lợi là 98.368 hộ. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức thành viên đã vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ chương trình an sinh xã hội hàng trăm tỷ đồng.

Cùng với đó, đã có trên 1.791.000 lượt người nghèo, người cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ các chính sách về y tế, giáo dục, phát triển sản xuất, nhà ở, tiền điện, trợ giúp pháp lý, đào tạo nghề… với tổng kinh phí hỗ trợ trên 1.009.526 triệu đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ cho vay trên 6.580.000 triệu đồng; trợ giúp khám chữa bệnh cho 6.000 người thuộc hộ nghèo, chữa bệnh, 3.000 học sinh.

Ngoài ra, các cấp, các ngành, các địa phương đã tổ chức hỗ trợ dạy nghề dệt thổ cẩm cho 150 học viên là người đồng bào dân tộc thiểu số tại làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp); tổ chức trình diễn mô hình dệt thổ cẩm bằng khung dệt cải tiến cho đồng bào Bana làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp) và đã chuyển giao 40 khung dệt cải tiến cho làng Hà Ri; hỗ trợ cho 18.846 lượt hộ dân nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng với diện tích hơn 60.000 ha; hỗ trợ phát triển sản xuất cho hơn 50.000 lượt hộ dân; hỗ trợ hơn 2,3 triệu liều vắc xin tiêm phòng dịch bệnh. Đặc biệt, đã có trên 11.610 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ 189 dự án phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo. 

Thông qua Ủy ban MTTQ, hội, đoàn thể các cấp đã huy động nguồn lực từ cộng đồng, người dân hỗ trợ hơn 1.300 nhà ở cho hộ nghèo.

Các cụm, khối thi đua thuộc tỉnh hàng năm cũng đã hưởng ứng tổ chức các hoạt động thăm và tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh; tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí; vận động cán bộ, công chức và người lao động đóng góp kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ chính sách khó khăn về nhà ở, tính đến cuối năm 2020 các Khối thi đua đã xây được 149 nhà, góp phần cùng các phong trào khác thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về an sinh - xã hội theo Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định giai đoạn 2015 - 2020…

Qua 5 năm triển khai thực hiện, các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình cơ bản đã hoàn thành và hoàn thành với chất lượng cao, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Hầu hết, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất ngày càng được nâng cao; đồng thời, được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt. Ở một số địa phương, các hộ nghèo đã có đơn xin thoát nghèo, tạo động lực để các hộ khác mạnh dạn đăng ký tham gia thoát nghèo và nỗ lực phát triển sản xuất để thoát nghèo bền vững.

Từ những kết quả đã đạt được, tỉnh Bình Định rút ra một số bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện phong trào thi đua. Đó là: Quán triệt quan điểm nhận thức trong công tác xoá đói giảm nghèo là trách nhiệm của toàn đảng, toàn dân dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức hội, đoàn thể để khơi dậy tiềm năng, phát huy thế mạnh, điều kiện của từng hộ nghèo cùng với sự trợ lực của toàn xã hội cho huyện nghèo, xã nghèo, hộ nghèo có cơ hội phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vươn lên thoát nghèo. Tránh tình trạng dựa dẫm vào nguồn lực Nhà nước hoặc xoá bỏ mặc cảm tự ti, tự bản thân mỗi hộ nghèo phải nỗ lực, phấn đấu vươn lên. Trong quản lý và chỉ đạo lồng ghép các dự án đầu tư đúng đối tượng, đạt mục tiêu; đa dạng hoá việc huy động nguồn lực cho việc thực hiện chương trình, kế hoạch, nhất là chủ động khai thác và sử dụng nguồn lực tại chỗ kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước, của các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, các cá nhân và cộng đồng. Gắn việc quản lý sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả các nguồn lực cho giảm nghèo với hướng dẫn tập huấn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công tới hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chú trọng công tác tập huấn, đào tạo cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể xã hội và sự tham gia của cộng đồng. Quan tâm xây dựng, tổ chức và bố trí cán bộ có kinh nghiệm, nhiệt tình, tâm huyết làm công tác giảm nghèo các cấp, đặc biệt là cơ sở. Làm tốt công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của các chương trình, phong trào giảm nghèo, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, công tác vận động xây dựng Quỹ “vì người nghèo”, Tháng cao điểm “Vì người nghèo”... đến cán bộ, đảng viên, các lực lượng xã hội và mọi tầng lớp nhân dân. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành chức năng liên quan, các tổ chức thành viên là điều kiện hết sức quan trọng trong việc tổ chức thực hiện và tính hiệu quả mang lại của các phong trào, chương trình giảm nghèo. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra; nhân rộng các mô hình hiệu quả; kịp thời khen thưởng, động viên các tổ chức, cá nhân tích cực ủng hộ, chăm lo giúp đỡ hộ nghèo, hộ chính sách khó khăn./.

Kim Loan


Tin nổi bật Tin nổi bật