Tổ chức dạy và học linh hoạt, thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh ta đã cơ bản được kiểm soát và đa số các địa phương đã tổ chức dạy học theo hình thức trực tiếp. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây đã có một số học sinh, giáo viên nhiễm COVID19 nhưng các cơ sở giáo dục và các cơ quan, đơn vị liên quan còn lúng túng trong việc xử lý, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Để hoạt động dạy học năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh được tổ chức linh hoạt, thích ứng an toàn với các tình huống dịch bệnh của từng địa phương, của từng cơ sở giáo dục, bảo vệ tối đa sức khoẻ của cán bộ, giáo viên và học sinh và không để dịch bệnh lây lan; trên cơ sở đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Báo cáo số 2146/BC-SGDĐT ngày 20/10/2021, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Chủ trì phối hợp với Sở Y tế và UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên đánh giá nguy cơ, tình hình dịch trên địa bàn và tại các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý để chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học, chủ động chuyển sang dạy học trực tuyến hoặc dạy học qua truyền hình hoặc các hình thức dạy học khác nếu không bảo đảm an toàn, với phương châm “học sinh ngừng đến trường nhưng không ngừng học”.
- Hướng dẫn tổ chức dạy trực tuyến cho số học sinh không thể đến trường do dịch bệnh; trong đó, lưu ý không nhất thiết phải tổ chức dạy học theo lớp.
- Kết hợp tổ chức dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ sở giáo dục và của từng khối lớp; ưu tiên dạy học trực tiếp đối với khối lớp 12 để bảo đảm nội dung, chương trình và thời gian năm học theo kế hoạch.
- Có phương án và biện pháp phù hợp, khả thi để học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến có điều kiện tham gia đầy đủ các nội dung học tập theo phân phối chương trình khi phải tổ chức dạy học trực tuyến.
- Chủ động điều chỉnh kế hoạch giảng dạy theo chương trình đã được Bộ 2 Giáo dục và Đào tạo giảm tải, trong đó chú trọng giảng dạy những kiến thức cốt lõi cho học sinh.
2. Sở Y tế:
- Hướng dẫn xét nghiệm tầm soát, cách ly y tế phù hợp với đối tượng là học sinh (dưới 18 tuổi); trình tự, cách thức xử lý các tình huống dịch xuất hiện trong cơ sở giáo dục.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh trong cơ sở giáo dục và các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với mức độ nguy cơ, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.
3. Sở Thông tin và Truyền thông Phối hợp, hỗ trợ Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện, thị xã, thành phố vận động, kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia ủng hộ, hỗ trợ máy tính cho học sinh để thực hiện Chương trình “sóng và máy tính cho em”.
4. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Chỉ đạo tổ chức triển khai việc dạy học đảm bảo thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 và phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch khi tổ chức dạy học trực tiếp; đồng thời chủ động, linh hoạt tổ chức dạy học trực tuyến tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh.
- Quan tâm, có biện pháp hỗ trợ phương tiện học tập cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và không có thiết bị để học trực tuyến.
5. Các doanh nghiệp viễn thông:
- Đảm bảo chất lượng đường truyền Internet, băng thông rộng và triển khai các gói cước hỗ trợ việc dạy và học trực tuyến.
- Triển khai hỗ trợ phủ sóng 100% các điểm chưa có kết nối Internet di động theo đúng tiến độ thời gian đã cam kết./.
KY