A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030

(binhdinh.gov.vn) - Thực hiện Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu nhằm bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Ảnh minh họa

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT về tình hình thực hiện theo quy định. Triển khai thực hiện có hiệu quả các Chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp góp phần đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh. Triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Bình Định; Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. Tổ chức thực hiện hiệu quả Luật: Trồng trọt; Chăn nuôi; Thủy sản trên địa bàn tỉnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm liên quan đến an ninh lương thực, thực phẩm thuộc phạm vi quản lý.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất, nước; bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất lúa được quy hoạch, bảo đảm mục tiêu giữ ổn định đất lúa; đề xuất cơ chế tạo điều kiện để sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp nhằm tập trung ruộng đất, tổ chức sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố phát triển hệ thống lưu thông, dịch vụ thương mại lương thực, thực phẩm tạo điều kiện cho người tiêu dùng có khả năng tiếp cận trong mọi tình huống.

Sở Khoa học và Công nghệ triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 trên lĩnh vực nông nghiệp; trong đó có sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố lập kế hoạch, xác định nhu cầu và nội dung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp; trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản lương thực, thực phẩm. Triển khai có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030 của Chính phủ.

Sở Y tế triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030; Chiến lược quốc gia về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình sữa học đường, nâng cao tầm vóc người Việt, nhất là tại các vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, định hướng phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa, phát huy lợi thế địa phương. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh xem xét triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ưu tiên doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, thực phẩm quy mô lớn, gắn kết vùng nguyên liệu.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro, phát triển sản xuất, lương thực, thực phẩm bền vững.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định; tăng cường kết nối với doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các chương trình, dự án liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao và các dự án đầu tư vào sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm.

UBND các huyện, thị xã, thành phố lồng ghép các nội dung về an ninh lương thực vào kế hoạch phát triển - xã hội của địa phương, trong đó định hướng phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa, phát huy lợi thế địa phương. Tổ chức cung ứng lương thực, thực phẩm cho nhân dân đảm bảo trong mọi tình huống; quản lý chặt chẽ quỹ đất sản xuất nông nghiệp, nhất là đất lúa hai vụ cần bảo vệ nghiêm ngặt; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Nhà nước về sản xuất, tiêu thụ lương thực, thực phẩm trên địa bàn. Xác định và thông báo cho các tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích đất phi nông nghiệp thực hiện nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn.

TL


Tin nổi bật Tin nổi bật