Phòng, chống thiên tai năm 2021
Ảnh minh họa
UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, hoàn thiện và phê duyệt Kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 và Phương án ứng phó với thiên tai trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra trên địa bàn địa phương; Phân công thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS cấp huyện phụ trách địa bàn các xã, phường, thị trấn để kịp thời chỉ đạo ứng phó khi có thiên tai; thường xuyên theo dõi lượng mưa, mực nước sông trong tỉnh tại website https://pcttbinhdinh.gov.vn, theo dõi quá trình tích nước của các hồ chứa, để có kế hoạch ứng phó kịp thời khi mưa bão; tổ chức trực ban 24/24 thực hiện công tác ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Tiếp tục rà soát, thống kê lên danh sách cụ thể các hộ gia đình sinh sống trong vùng có nguy cơ cao, thường xuyên phải di dời khi có bão lụt để có phương án ứng phó phù hợp, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân; ưu tiên hình thức di dời xen ghép tại chỗ, lập danh sách hộ sơ tán và các hộ có nhà ở kiên cố để xen ghép chủ động trong công tác ứng phó với mưa bão; trường hợp phải sơ tán di dời dân đến nhà tránh trú cộng đồng, cơ quan nhà nước, trường học, các khu tái định cư… phải có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 (nếu có) theo hướng dẫn của Sở Y tế.
Thống kê danh sách cụ thể các phương tiện, máy móc chuyên dùng huy động trong doanh nghiệp, nhân dân để chủ động phục vụ ứng phó khi có thiên tai xảy ra; có kế hoạch kiểm tra, vận hành thử trước khi xảy ra thiên tai để đảm bảo các phương tiện huy động hoạt động tốt khi cần thiết. Thông báo, di dời kịp thời các hộ dân ở các khu có nguy cơ sạt lở cao chưa thực hiện tái định cư trước khi có mưa, bão xảy ra, gồm: khu vực thôn Trà Cong, khu vực Đá Cữa, xã An Hòa (An Lão); khu vực Núi 1, phường Đống Đa (Quy Nhơn); khu vực Núi Gành, thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh (Phù Cát), . . .
Đối với các hồ chứa xuống cấp, hư hỏng nặng, hạn chế tích nước trong năm 2021 thì phải thường xuyên kiểm tra, chuẩn bị tốt phương án “bốn tại chỗ” để kịp thời ứng phó khi có sự cố. Đối với hồ Hải Nam, huyện Tây Sơn, cần có biện pháp gia cố đoạn đỉnh đập bị xói lở, xâm thực thẳng đứng, rào chắn không cho các phương tiện cơ giới qua lại. Thống kê toàn bộ lực lượng y tế trên địa bàn, đồng thời có phương án huy động sử dụng lực lượng này để ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong khi di dời dân; tổ chức dọn vệ sinh, khử khuẩn đối với các trụ sở, nhà dân kiên cố trước khi di dời dân đến tránh trú. Nghiên cứu kỹ Sổ tay hướng dẫn Công tác PCTT trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 của Ban Chỉ đạo TW về PCTT ban hành kèm theo Quyết định số 16/QĐ-TWPCTT ngày 23/8/2021; chỉ đạo các Trung tâm y tế địa phương chuẩn bị nhân lực, cơ số thuốc, điều kiện xét nghiệm, điều trị, cách ly đối với nhân dân tại các khu sơ tán trong điều kiện diễn biến phức tạp dịch bệnh Covid-19 khi có bão, lũ.
Đối với các địa phương ven biển: tăng cường công tác quản lý tàu thuyền trên sông, trên biển, khi có thông báo về thiên tai phải tổ chức kiểm đếm tàu thuyền và hướng dẫn cho các thuyền trưởng di chuyển đến vùng an toàn; thông báo, hướng dẫn cho người dân sinh sống tại các xã ven biển thực hiện việc chằng, chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ.
UBND thị xã An Nhơn, UBND huyện Tuy Phước chỉ đạo UBND xã Nhơn An, UBND xã Phước Hưng phối hợp, tổ chức phát dọn khai thông dòng chảy trên tuyến đê Gò Chàm để đảm bảo thông thoáng dòng chảy trước mùa mưa bão năm 2021. UBND huyện Phù Mỹ khẩn trương thực hiện khơi thông dòng chảy tại công trình đập dâng Cây Kê (xã Mỹ Quang); hoàn thiện gia cố mái phía thượng lưu đập; theo dõi, có biện pháp bảo vệ mái hạ lưu đập bờ tả; hoàn thiện cầu công tác, lắp đặt cửa van, máy đóng mở trước 30/11/2021 và đảm bảo vận hành tưới vụ Đông Xuân 2021-2022. UBND thành phố Quy Nhơn phối hợp Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, yêu cầu Nhà đầu tư phải khơi thông dòng chảy để đảm bảo thoát nước trong mùa mưa lũ tại khu vực hạ lưu cầu Hà Thanh 4; phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Cảng vụ Quy Nhơn và các đơn vị có liên quan kiểm tra, thống kê lồng bè nuôi trồng thủy sản trong khu vực Hải Minh, để có kế hoạch di dời, đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão.
Đối với các địa phương có gieo sạ vụ mùa: thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất, thu hoạch lúa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, thu hoạch sớm hoa màu, các hồ nuôi tôm, cá... đảm bảo tránh thiệt hại trong mùa mưa bão. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ thực công tác phòng chống thiên tai đạt hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích (theo Quyết định 4011/QĐ-UBND ngày 30/9/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh).
Các Ban QLDA chuyên ngành của tỉnh chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung triển khai xây dựng các công trình, dự án đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, tránh các thiệt hại có thể xảy ra; có phương án cụ thể ứng phó kịp thời với tình huống thiên tai xảy ra; thực hiện thông thoáng dòng chảy trước khi có mưa lũ để đảm bảo thoát nước tránh ngập úng; đồng thời, Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và PTNT lập kế hoạch thi công phù hợp, khẩn trương thực hiện khơi thông dòng chảy tại công trình đập dâng Lão Tâm, xã Cát Thắng trước 20/10/2021; có kế hoạch, biện pháp thi công đảm bảo an toàn công trình, đê kè thượng lưu đập trong mùa mưa lũ; hoàn thiện cầu công tác, lắp đặt cửa van, máy đóng mở trước 30/11/2021 để vận hành tưới vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022. Ban Quản lý dự án Giao thông tỉnh phải có phương án xử lý thông thoáng dòng chảy đối với đường công vụ thi công cầu qua sông Hà Thanh thuộc dự án nâng cấp, mở rộng đường Trần Nhân Tông (Quy Nhơn); Cầu Thiện Chánh (Hoài Nhơn), khi có mưa bão để hạn chế ngập lụt thượng lưu, đảm bảo tiêu thoát lũ, tránh hư hại hạ tầng, các công trình đê kè, nhà cửa liên kề.
Sở Giao thông vận tải kiểm tra, thông thoáng dòng chảy tại các cầu giao thông thuộc nguồn vốn bảo trì hàng năm trên địa bàn tỉnh (các công trình hiện nay đang đắp đường tạm, tháo dỡ cầu để thi công) như cầu Ông Đốc, xã An Hòa, huyện An Lão.
Triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo tại Văn bản số 195/TB-UBND ngày 17/09/2021 của UBND tỉnh.
TL