Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng vi rút Cúm gia cầm thể độc lực cao khác
Ảnh minh họa
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT (Kinh tế), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp các xã, phường, thị trấn triển khai rà soát, tổ chức tiêm vắc xin CGC phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn có nguy cơ; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện chỉ đạo của địa phương mình. Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất; tổ chức tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, sát trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh; tiêm phòng vắc xin phòng bệnh CGC đầy đủ cho đàn gia cầm. Phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường giám sát, lấy mẫu gia cầm nghi mắc bệnh CGC, lấy mẫu giám sát tại nơi buôn bán gia cầm nhằm phát hiện sớm gia cầm có kết quả dương tính với vi rút CGC A/H5N8. Chuẩn bị các điều kiện trong trường hợp có xảy ra ổ dịch CGC A/H5N8 hoặc có mẫu giám sát dương tính với vi rút CGC A/H5N8, như: xử lý tiêu hủy gia cầm, công bố dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, sử dụng các loại vắc xin CGC đang được phép lưu hành tại Việt Nam và có hiệu quả bảo hộ đối với chủng vi rút CGC A/H5N6 (theo OIE chủng vi rút CGC A/H5N8 cùng phân nhánh 2.3.4.4 với vi rút CGC A/H5N6) để tiêm cho toàn bộ đàn gia cầm tại thôn, xã có dịch và các địa phương có nguy cơ cao. Kịp thời phát hiện và báo cáo tình hình dịch bệnh CGC trong vòng 24h cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để phối hợp xử lý. Đối với UBND thành phố Quy Nhơn triển khai quyết liệt đưa các hộ giết mổ gia cầm nhỏ lẻ vào các cơ sở giết mổ động vật tập trung, nghiêm cấm việc mua bán, giết mổ lưu thông gia cầm sống trong địa bàn thành phố, nếu phát hiện phải xử lý tiêu hủy và xử phạt nghiêm túc theo quy định của nhà nước.
Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát chủ động, lấy mẫu của gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh CGC, gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao và gửi phòng xét nghiệm thuộc Cục Thú y để xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh để kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với vi rút CGC, chủng A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8. Tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Tăng cường truyền thông để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyểngia cầm, sản phẩm gia cầm không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh theo quy định; hằng ngày tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi. Phối hợp các địa phương tổ chức triển khai xây dựng các cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm, kịp thời cung ứng cho nhu cầu của địa phương và cả nước.
Sở Y tế giám sát, phát hiện, chia sẻ thông tin, tuyên truyền, phối hợp phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật sang người. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn phòng chống các bệnh động vật lây sang người theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLTBYT-BNNPTNT ngày 27/5/2013 của liên Bộ: Y tế - Nông nghiệp và PTNT; thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh truyền lây từ động vật trên người. Phân công cán bộ tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng chống dịch bệnh gia cầm trên địa bàn tỉnh khi có yêu cầu.
Các cơ quan truyền thông, các hội đoàn thể tăng cường vận động hội viên, đoàn viên nghiêm túc chấp hành và phổ biến rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia góp phần hạn chế dịch bệnh và thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững.
TL