Triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP của Chính phủ
(binhdinh.gov.vn) - Ngày 11/12/2024, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Tiếp cận thông tin.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Luật Tiếp cận thông tin được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 06/4/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định.
Để việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP của Chính phủ được thống nhất, hiệu quả và chất lượng hơn trong thời gian tới, UBND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt nội dung của Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản hướng dẫn thi hành đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, bố trí hợp lý đơn vị, bộ phận hoặc người làm đầu mối cung cấp thông tin; củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực cho người làm đầu mối cung cấp thông tin, tăng cường tập huấn chuyên sâu về các nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công bố Quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin; thường xuyên cập nhật và công khai Danh mục thông tin phải được công khai và Danh mục thông tin được tiếp cận có điều kiện; tổ chức xây dựng và duy trì Chuyên mục về tiếp cận thông tin trên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tổ chức rà soát, phân loại, kiểm tra và bảo đảm tính bí mật của các thông tin do cơ quan, đơn vị tạo ra; duy trì, lưu giữ, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin mà cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cung cấp cho công dân, bảo đảm hệ thống thông tin đầy đủ, toàn diện, kịp thời, dễ dàng tra cứu; chú trọng công tác số hóa các văn bản, hồ sơ, tài liệu và kết nối với mạng điện tử trên toàn quốc để có thể truy cập thông tin dễ dàng từ các hệ thống khác nhau và tăng cường cung cấp thông tin qua mạng điện tử.
Căn cứ vào điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết khác cho việc cung cấp thông tin cho công dân; thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin; chỉ đạo đơn vị, bộ phận hoặc người làm đầu mối cung cấp thông tin trong việc xử lý, phân loại thông tin, thống kê số liệu về kết quả cung cấp thông tin cho công dân theo từng năm.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương còn có nhiệm vụ đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc cung cấp thông tin, công khai thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận thông tin dễ dàng, nhanh chóng, phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số, chính quyền số, đô thị thông minh.
UBND tỉnh giao Sở Tư pháp theo dõi, đôn đốc tình hình triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin tại cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức kiểm tra việc thi hành pháp luật, tham mưu, đề xuất xử lý vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin theo thẩm quyền.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các UBND các xã, phường, thị trấn trong việc triển khai các hoạt động nêu trên tại địa bàn quản lý./.