|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ

(binhdinh.gov.vn) - Nhằm quán triệt quan điểm chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước, ngày 12/12/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 209/KH-UBND về triển khai thực hiện Chỉ thị này trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Theo kế hoạch, Sở Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, thúc đẩy lưu thông, cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng; tích cực triển khai các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong tỉnh tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại; đẩy mạnh các chương trình phát triển hạ tầng thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, nhất là dịp cuối năm nhằm khai thác tối đa thị trường nội địa; triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất tại địa phương, trong đó chú trọng các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh; vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần kích cầu tiêu dùng. Đồng thời, Sở Công Thương phối hợp tổ chức, triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, kết nối thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài qua giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới trên các sàn thương mại điện tử quốc tế và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước. Phối hợp tổ chức các hoạt động thúc đẩy liên kết vùng trong thương mại điện tử. Tổ chức các chương trình, sự kiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, phát triển các mô hình mới trong mua bán hàng hóa trên môi trường trực tuyến. Ngoài ra, Sở Công Thương có trách nhiệm tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chỉ đạo, hướng dẫn các hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nhất là dịp cuối năm. Tập trung đôn đốc nhà đầu tư sớm khởi công và đẩy nhanh tiến độ thi công dự án các cụm công nghiệp đã được thành lập. Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ có hiệu quả các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu; tăng cường kết nối vùng, miền để trao đổi tiềm năng, thế mạnh, trong đó chú trọng kết nối về logistics, tạo thuận lợi trong hoạt động vận chuyển hàng hóa lưu thông; tăng cường các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của ngành. Sở Công Thương phối hợp triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, các hàng rào kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh nhằm thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh sang các thị trường lớn như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,...

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, tăng cường thu hút đầu tư các dự án trọng điểm, có thế mạnh của tỉnh theo định hướng quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt tại Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan tập trung rà soát, kịp thời tham mưu, thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vốn đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia của các cơ quan, đơn vị, địa phương; kịp thời tham mưu UBND tỉnh có biện pháp xử lý đối với các dự án chậm triển khai (nếu có).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển các ngành, nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế nông thôn. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kết nối hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản; kết nối các sàn thương mại điện tử, xây dựng website bán hàng. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản xanh, sạch, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp/hộ nông dân thực hiện quy trình sản xuất an toàn, tăng cường sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…; hỗ trợ xây dựng, phát triển các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn tiêu biểu của tỉnh làm cơ sở để giới thiệu, quảng bá, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Xây dựng chuỗi liên kết gắn sản xuất ban đầu với sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc và đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu bền vững.

Sở Xây dựng nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh triển khai chính sách thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững, xây dựng nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội nhằm kích cầu tiêu dùng các mặt hàng vật liệu xây dựng được sản xuất trong nước như: xi măng, sắt thép, gạch, ngói… và danh mục thúc đẩy khuyến khích tiêu dùng các mặt hàng vật liệu xây dựng sản xuất trong nước khi Bộ Xây dựng ban hành.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án theo quy định của hiện hành của Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy định có liên quan nhằm việc tháo gỡ khó khăn về mặt bằng phục vụ thu hút, mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tạo năng lực, động lực sản xuất mới cho Tỉnh.

Các sở, ban ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và lĩnh vực được giao chủ động nghiên cứu Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện các nội dung liên quan theo quy định.

Cục Quản lý thị trường tỉnh triển khai có hiệu quả các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp; kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá nhằm đảm bảo ổn định giá cả, cung - cầu các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu và các hành vi gian lận thương mại khác trên địa bàn.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Định triển khai thực hiện các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các Tổ chức tín dụng đảm bảo các chính sách của Nhà nước đến với người dân, doanh nghiệp kịp thời, đúng đối tượng. Cùng với đó, chỉ đạo các Tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa trong nước sản xuất.

UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn triển khai các giải pháp theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn về mặt bằng phục vụ thu hút, mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tạo năng lực sản xuất mới; tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất tại địa phương tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại, nhất là dịp cuối năm nhằm khai thác tối đa thị trường nội địa. Triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước. Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng các chợ trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua, bán của người dân./.


Tác giả: Minh Anh

Tin nổi bật Tin nổi bật