Triển khai thực hiện Nghị quyết 172/NQ-CP của Chính phủ
Ảnh minh họa (Trong ảnh: Hoạt động công chứng tại VPCC AB - baobinhdinh.com.vn)
Theo Kế hoạch, Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Hội Công chứng viên tỉnh, các tổ chức hành nghề công chứng và các cơ quan, tổ chức có liên quan tuyên truyền, phổ biến về vị trí, vai trò của hoạt động công chứng và định hướng phát triển nghề công chứng theo tinh thần của Nghị quyết số 172/NQ-CP.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội Công chứng viên tỉnh, các tổ chức hành nghề công chứng và các cơ quan, tổ chức có liên quan hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về công chứng và quy định pháp luật có liên quan Tham gia góp ý xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Công chứng (sửa đổi).
Ngoài ra, Sở Tư pháp thường xuyên phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng; tiếp tục quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả Hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng, chức thực tỉnh Bình Định theo quy định tại Quyết định số 95/2020/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, trách nhiệm phối hợp, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực đối với hợp đồng, giao dịch trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Để xây dựng đội ngũ công chứng viên chuyên nghiệp, chất lượng cao, Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Hội Công chứng viên tỉnh, các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên và các cơ quan, tổ chức có liên quan thường xuyên quán triệt, yêu cầu công chứng viên tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm, lập danh sách và đăng tải theo quy định của Thông tư số 01/2021/TT-BTP ngày 03/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng; tăng cường quản lý việc tập sự hành nghề công chứng.
Ngoài ra, Sở Tư pháp và Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Hội Công chứng viên tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan phải thường xuyên tăng cường công tác phối hợp để kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình tổ chức và hoạt động công chứng nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi giả mạo tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên, người yêu cầu công chứng, giấy tờ liên quan đến hoạt động công chứng; lợi dụng công chứng để hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp; lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời bảo đảm quyền hành nghề hợp pháp của công chứng viên.
Khi công chứng viên nộp thủ tục hành chính đề nghị xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Công chứng, Sở Tư pháp thực hiện chặt chẽ công tác thẩm tra hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Công chứng theo quy định tại Luật Công chứng, Quyết định số 57/2019/QĐ-UBND ngày 05/12/2019 của UBND tỉnh ban hành quy định tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Định và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cùng với đó, Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục duy trì các Phòng Công chứng để giữ vai trò chủ đạo, định hướng nhiệm vụ làm đầu tàu về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực công chứng
Cũng theo Kế hoạch, Sở Tư pháp có trách nhiệm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động công chứng; phát huy trách nhiệm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên.
UBND tỉnh yêu cầu việc triển khai thực hiện Kế hoạch phải đạt hiệu quả, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan; xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
Kim Loan