“Đến năm 2030, dịch vụ công trực tuyến là phương thức giao dịch thủ tục hành chính phổ biến với tỷ lệ sử dụng đạt trên 80% và 60% hồ sơ trực tuyến được người dân, doanh nghiệp thực hiện từ xa, tại nhà mà không cần đến Bộ phận Một cửa các cấp”
(binhdinh.gov.vn) - Đó là mục tiêu phấn đấu của “Kế hoạch nâng cao chất lượng cung cấp và thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2025 – 2030” được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 4492/QĐ-UBND ngày 27/12/2024
Kế hoạch nêu rõ quan điểm: “Nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, cá nhân hoá và dựa trên dữ liệu để đáp ứng tốt hơn cho yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp theo nội dung Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là nhiệm vụ vừa mang tính trung tâm vừa mang tính cấp bách của công tác cải cách thủ tục hành chính tỉnh Bình Định trong giai đoạn 2025 – 2030”.
Trên cơ sở nhận diện, phản ánh thẳng thắn, toàn diện, khách quan những tồn tại, hạn chế của thực trạng cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiện nay; đồng thời, đánh giá, xác định đúng, đầy đủ những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, Kế hoạch đã đề ra 10 nhóm giải pháp gắn với 52 nhiệm vụ cụ thể để tổ chức triển khai nhằm hiện thực hóa 15 chỉ tiêu cụ hướng đến mục tiêu chung của năm 2030 là: “Tạo sự đột phá thực chất trong việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính dựa trên chuyển đổi số, số hóa, dữ liệu và công nghệ”. Theo đó, 10 nhóm giải pháp được UBND tỉnh xác định trong giai đoạn 5 năm tới, bao gồm:
(i) Quyết liệt, tập trung chỉ đạo, điều hành, bố trí đầy đủ nguồn lực cho các nhiệm vụ nâng cao chất lượng cung cấp và thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
(ii) Phát huy hiệu quả công tác số hóa, tái sử dụng dữ liệu số hóa thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tập trung nghiên cứu, xây dựng mới và đẩy mạnh việc tích hợp, kết nối các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin chuyên ngành hiện có với “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh” để chia sẻ, khai thác thông tin, dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
(iii) Rà soát, đánh giá, cấu trúc lại quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến bảo đảm nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm.
(iv) Nâng cấp, cải thiện chất lượng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.
(v) Ban hành cơ chế, chính sách và triển khai các giải pháp nhằm khuyến khích, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến .
(vi) Đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng số cho người dân; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có đầy đủ các điều kiện cần thiết, thuận lợi để sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
(vii) Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ cập kiến thức và kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
(viii) Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho đội ngũ công chức, viên chức trực tiếp xây dựng, thiết kế dịch vụ công trực tuyến.
(ix) Tạo động lực, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong việc tham mưu cung cấp gắn với tiên phong sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
(x) Huy động các nguồn lực xã hội tham gia thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.
Trong tổng số 52 nhiệm vụ cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện 10 giải pháp nêu trên có một số nhiệm vụ đáng chú ý nhằm huy động sự vào cuộc rộng rãi của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và khuyến khích, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến, như: Tham mưu cho Cấp ủy các cấp chỉ đạo việc nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến; Phát động phong trào thi đua “Tuyên truyền và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”; Phát động phong trào “Toàn dân trên địa bàn tỉnh tham gia tìm hiểu và sử dụng dịch vụ công trực tuyến”; Xây dựng kế hoạch đạo tạo, tập huấn về phổ cập kỹ năng số cho người dân trên địa bàn hằng năm; Xây dựng, chuẩn hóa tại liệu hướng dẫn thực hiện các dịch vụ công thiết yếu; Đầu tư, mua sắm các trang thiết bị cần thiết (máy tính, máy chiếu) cho nhà văn hóa, nhà làm việc của thôn, khu vực để tổ chức các buổi thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho người dân trên địa bàn và Trang bị, bổ sung thêm máy tính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã để người dân, doanh nghiệp sử dụng nộp hồ sơ trực tuyến…
UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch; trong đó, Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo việc thực hiện Kế hoạch.
Văn phòng UBND tỉnh là cơ quan chủ trì, xây dựng dự thảo và tham mưu, đề xuất việc ban hành Kế hoạch nêu trên. Theo Văn phòng UBND tỉnh, nội dung Kế hoạch cũng là sản phẩm công việc cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao chất lượng về cung cấp và sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 1588/QĐ-TTg ngày 17/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ và các nội dung liên quan đến việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia./.