A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024

(binhdinh.gov.vn) - Tại Công văn số 1443/UBND-KT ngày 03/03/2024, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và địa phương liên quan chủ động thực hiện các nội dung hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 theo yêu cầu và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 1221/BTNMT-TTTT ngày 28/02/2024.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Cụ thể, tại Công văn nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Đại sứ quán và tổ chức quốc tế tại Việt Nam quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động thiết thực, hiệu quả và phù hợp với chủ đề Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024.

Trong đó, một số hoạt động nổi bật như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, người dân, doanh nghiệp về mục đích, ý nghĩa, chủ đề Ngày Nước thế giới 2024, Ngày Khí tượng thế giới 2024 và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024; treo pano, băng rôn, áp phích tuyên truyền được làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan và các địa điểm thích hợp. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng như: tọa đàm, hội nghị chuyên đề, hội thảo khoa học, các cuộc thi triển lãm tranh, ảnh… Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kêu gọi sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo cộng đồng về tầm quan trọng của công tác khí tượng thủy văn trong việc chủ động dự báo, cảnh báo sớm, kịp thời với độ tin cậy cao, hỗ trợ tích cực, hiệu quả giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng và bàn giao các công trình, dự án thuộc lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên các khu vực miền núi, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới hải đảo, các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; thúc đẩy và thu hút các dự án xanh, dự án năng lượng tái tạo nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống dân sinh. Tăng cường các giải pháp dựa vào thiên nhiên đối với các vấn đề toàn cầu về khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đa dạng sinh học và sinh kế người dân thông qua quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phục hồi các dòng sông bị ô nhiễm, phục hồi hệ sinh thái tại các lưu vực sông; áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế - xã hội tới các hệ sinh thái; thúc đẩy việc xây dựng các mô hình kinh tế sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Tăng cường năng lực, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, vận hành hiệu quả hệ thống dự báo, cảnh báo sớm, thực hiện dự báo tác động góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát hiện, biểu dương, động viên và khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong việc áp dụng các sáng kiến, giải pháp công nghệ để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng tổ chức hoạt động “Tắt đèn và tắt các thiết bị điện không cần thiết” từ 20h30 đến 21h30 ngày 30/3/2024 (Thứ Bảy); duy trì thường xuyên, liên tục thói quen sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm gắn với bảo tồn tài nguyên năng lượng từ sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, giao thông vận tải, sản xuất nông ngư nghiệp cho đến tiêu thụ tại hộ gia đình nhằm cân bằng giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới mục tiêu chuyển đổi tối đa sang năng lượng tái tạo…

Ngày Nước thế giới 22/3/2024 được Liên hợp quốc phát động ̣với chủ đề “Leveraging water for peace” - “Nước cho hòa bình”, tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới. Khi nguồn nước bị khan hiếm hoặc ô nhiễm, khi mọi người không có khả năng tiếp cận nước an toàn hoặc không được tiếp cận nước một cách bình đẳng, căng thẳng có thể gia tăng giữa những cộng đồng và các quốc gia. Theo báo cáo của Ủy ban về Nước của Liên Hợp Quốc (UN-Water), hiện có hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và dân số toàn cầu tăng lên như hiện nay, chúng ta phải đoàn kết để bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này. Bằng cách cùng nhau hành động để cân bằng quyền con người và nhu cầu của mọi người về nước, nước có thể là động lực ổn định và là chất xúc tác cho sự phát triển bền vững hôm nay và mai sau.

Ngày Khí tượng thế giới 23/3/2024 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động với chủ đề là “At the frontline of climate action” – “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”. Qua đó, có thể thấy những nỗ lực dự báo, cảnh báo sớm và chủ động hành động vì khí hậu là vấn đề toàn cầu nhằm tăng cường khả năng phục hồi và ứng phó rủi ro thiên tai, đẩy mạnh giảm phát thải khí nhà kính góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu; đồng thời tiếp tục tăng cường năng lực, nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp, tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho cộng đồng nhằm chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “Reducing Carbon footprint towards Net Zero” - “Giảm dấu chân Carbon – Hướng tới Net Zero”. Thông điệp này nhấn mạnh vai trò quan trọng trong hành trình hướng tới Net Zero, đồng thời kêu gọi các quốc gia cùng hướng tới một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững trong đó áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, mở rộng các hành lang đa dạng sinh học, các khu bảo tồn; giảm thiểu phát thải; chuyển đổi năng lượng tái tạo trong các lĩnh vực; đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ nhằm giảm áp lực lên môi trường tự nhiên. Đây cũng là dịp để Việt Nam thể hiện vai trò, trách nhiệm và sự nỗ lực của mình tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 28 (COP28) để cùng với thế giới hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050./.


Tác giả: Minh Anh

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật