|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách ứng phó với nắng nóng hạn hán, xâm nhập mặn

(binhdinh.gov.vn) - Trong tình hình thời tiết nắng nóng như hiện nay, tỉnh Bình Định có nguy cơ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024, gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Ngày 12/04/2024, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 07/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách ứng phó với nắng nóng hạn hán, xâm nhập mặn đối với sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt mùa khô năm 2024.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn Bình Định, trang https://pcttbinhdinh.gov.vn, hệ thống đo mưa chuyên dùng trên trang thông tin Vrain.vn, dung tích các hồ chứa để điều tiết các hồ chứa cho phù hợp thực tế và xây dựng phương án ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho vụ Hè Thu 2024. Tại những vùng thiếu nước cần chuyển đổi cây trồng phù hợp với nguồn nước hiện có; thu hẹp diện tích sản xuất; tổ chức sản xuất vụ Hè ngay sau khi vụ Đông Xuân kết thúc.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp quản lý tốt nguồn nước được giao; tham mưu phương án ứng phó hạn hán cho phù hợp đối với các vùng có nguy cơ thiếu nước. Chỉ đạo các đơn vị cấp nước sạch do huyện quản lý: Bảo trì giếng, bảo trì thiết bị, đường ống từng nhà máy; các nhà máy cấp nước sạch sẵn sàng hoạt động đạt công suất tối đa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho nhân dân, mở mạng cấp nước sạch và đấu nối đến hộ gia đình. Thống kê các thiết bị chứa, vận chuyển nước sạch hiện có trên địa bàn để huy động vận chuyển nước sạch đến các cụm dân cư bị thiếu nước. Chỉ đạo UBND cấp xã: Củng cố tổ chức thủy lợi cơ sở, đội thủy nông, thực hiện nghiêm việc tiếp nhận nguồn nước tại các điểm giao nhận sản phẩm dịch vụ thủy lợi, tổ chức phân phối nước đến mặt ruộng theo kế hoạch tưới; tổ chức bảo trì thiết bị bơm, nạo vét bể hút, bể xả, vét kênh mương, kênh mương nội đồng; thống kê các máy bơm hiện có trên địa bàn để huy động chống hạn khi cần thiết.

Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thông tin tuyên truyền đến người dân về tình trạng nắng nóng bất thường, có nguy cơ thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt để người dân biết, chia sẻ và chủ động cùng thực hiện các biện pháp tiết kiệm nước. Cùng với đó, chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để thực hiện các giải pháp ứng phó hạn hán; trường hợp nguồn kinh phí vượt quá khả năng ngân sách của địa phương, báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ theo quy định. Thường xuyên cập nhật vào sáng thứ 3 hàng tuần về tình hình nguồn nước, hạn hán, tổng hợp báo cáo (hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu) về tình hình hạn hán và đề xuất giải pháp chống hạn (nếu có) gửi Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp thời.

Hiện tượng xâm nhập mặn (Ảnh: vietnamnet.vn) 

Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố và đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi triển khai thực hiện phương án; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, nhận định sát tình hình hạn hán, thiếu nước, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện các kế hoạch điều tiết, sử dụng nước hợp lý, chủ động các biện pháp ứng phó kịp thời trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và PTNT theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch sử dụng nước của các công trình thủy lợi và cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15/01/2024 về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01/4/2024 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 16/12/2023 của UBND tỉnh triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước. Tổng hợp, báo cáo kịp thời tình hình hạn hán, thiếu nước ở các địa phương và tham mưu đề xuất UBND tỉnh các giải pháp chống hạn và cấp nước sinh hoạt ở các công trình khi xảy ra hạn hán, thiếu nước.

Sở Tài chính, trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT, tham mưu UBND tỉnh kịp thời bố trí kinh phí hỗ trợ ứng phó hạn hán theo quy định; đồng thời, hướng dẫn Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND các huyện thị xã, thành phố ứng, cấp kinh phí kịp thời phục vụ công tác ứng phó với hạn hán.

Sở Công Thương chỉ đạo các đơn vị, tổ chức quản lý các đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình trên lưu vực thượng nguồn sông Kôn triển khai thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành hồ chứa các công trình thủy điện, bảo đảm nguồn nước phòng, chống hạn hán cho hạ du, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm và hài hòa giữa mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng của đơn vị và cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Công Thương chỉ đạo Công ty Điện lực Bình Định ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm tưới, đặc biệt trong các thời kỳ khô hạn cần tăng cường hoạt động cấp nước theo kế hoạch sản xuất của Nhân dân. Đồng thời, Sở Công Thương chỉ đạo Công ty Điện lực Bình Định đảm bảo cấp điện phục vụ chống hạn theo Quyết định số 1126/QĐ-UBND ngày 03/4/2024 của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch cung ứng điện trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2024 khi hệ thống điện Quốc gia thiếu nguồn điện.

Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, đôn đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định thực hiện việc quan trắc, dự báo, cảnh báo về tình hình diễn biến khô hạn, thiếu nước, cung cấp kịp thời các bản tin cho các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Sở Lao động thương và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND các huyện, thị xã thực hiện xem xét, tổng hợp đề xuất UBND tỉnh nguồn hỗ trợ gạo cho dân do không sản xuất.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường  thông tin tuyên truyền thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn đối với sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt mùa khô năm 2024 trên các nền tảng thông tin như: Báo Bình Định, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh; Trung tâm Văn hoá - Thông tin - Thể thao các huyện, thị xã, thành phố; Đài Truyền thanh các xã, phường thị trấn phát nội dung thông tin chủ động ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024 vào các ngày trong tuần để người dân biết, chủ động thực hiện.

Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định sử dụng nguồn ngân sách nhà nước giao hàng năm để sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp, tổ chức nạo vét, phát dọn kênh mương, cửa lấy nước, bể hút các trạm bơm tưới, đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa nâng cấp các công trình sớm đưa vào khai thác, phục vụ tưới tiêu và công tác chống hạn.  Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra nguồn nước, xây dựng kế hoạch phân phối nước phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo hiệu quả. Chủ động cân đối, điều hoà nguồn nước các công trình trên cùng hệ thống, tổ chức chuyển nước sang lưu vực La Tinh. Ngoài ra, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định phối hợp có hiệu quả với chính quyền địa phương và hộ dùng nước để điều tiết nước hiệu quả. Hạn chế mức thấp nhất việc thiếu nước tưới vào cuối vụ của các công trình do đơn vị quản lý. Những vùng thiếu nước phải xây dựng phương án ưu tiên cấp nước sinh hoạt; chấp nhận thu hẹp diện tích sản xuất.

Các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước các hồ chứa, các lưu vực sông, suối và diễn biến của thời tiết. Thực hiện nghiêm túc Kế hoạch cấp nước an toàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Xây dựng kế hoạch đảm bảo cấp nước sinh hoạt phục vụ cho Nhân dân và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu khi hạn hán xảy ra làm ảnh hưởng đến nguồn nước. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng phải ưu tiên nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn để có dự báo, cảnh báo sớm về tình hình khô hạn, thiếu nước, thông báo kịp thời cho các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan và Nhân dân biết để có giải pháp chủ động phòng, chống hạn, bảo vệ sản xuất có hiệu quả.

UBND tỉnh đề nghị Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn phối hợp với ngành nông nghiệp và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, các giải pháp kỹ thuật phòng chống hạn; tích cực bám sát địa bàn, vận động, hướng dẫn hội viên, đoàn viên thực hiện tốt các giải pháp sản xuất trong điều kiện hạn hán theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để giành thắng lợi trong sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân./.


Tác giả: Minh Anh

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật