|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

UBND tỉnh ban hành kế hoạch chuyển đổi một số nghề khai thác hải sải trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 04/04/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1161/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2024-2030.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: baobinhdinh.vn)

Mục tiêu chung của kế hoạch là chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản có ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác hải sản có ảnh hưởng ít hơn hoặc chuyển sang các ngành nghề khác (ngoài hoạt động khai thác hải sản) để từng bước cân bằng lại cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản; từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đội tàu cá trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi; cải thiện môi trường làm việc và đảm bảo 100% ngư dân chuyển đổi nghề có việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo cuộc sống sau khi chuyển đổi nghề, góp phần khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu.

Mục tiêu cụ thể, giai đoạn đến năm 2025, chuyển đổi 342 tàu cá hoạt động ở vùng biển ven bờ, vùng lộng đang làm khai thác hải sản có tính xâm hại nguồn lợi thủy sản cao (gồm nghề lưới kéo (giã cào), lưới lồng, nghề ngư cụ kết hợp ánh sáng) sang các nghề khai thác hải sản khác có ảnh hưởng ít hơn (218 chiếc) hoặc sang các ngành nghề khác ngoài khai thác hải sản (124 chiếc). Đồng thời, tập huấn, đào tạo nghề cho 2.000 ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp với nghề chuyển đổi mới (kể cả ngư dân bị ảnh hưởng bởi chuyển sang lĩnh vực khác ngoài khai thác hải sản và ngư dân chuyển đổi sang nghề khai thác khác).

Giai đoạn từ năm 2026-2030, chuyển đổi 198 tàu cá hoạt động ở vùng lộng và vung khơi đang làm nghề lưới kéo và nghề câu mực kiêm lưới mành sang các nghề khai thác hải sản khác có ảnh hưởng ít hơn (133 chiếc) hoặc sang các ngành nghề khác ngoài khai thác hải sản (65 chiếc). Đồng thời, tập huấn, đào tạo nghề cho 1.000 ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp với nghề chuyển đổi mới (kể cả ngư dân bị ảnh hưởng bởi chuyển sang lĩnh vực khác ngoài khai thác hải sản và ngư dân chuyển đổi sang nghề khai thác khác).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo và hướng dẫn UBND các huyện/thành phố/thị xã ven biển triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh Bình Định đạt mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu trình UBND tỉnh ban hành chính sách chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác hải sản thân thiện với môi trường hoặc chuyển ra ngoài lĩnh vực khác. Ngoài ra, Sở NN&PTNT kiểm tra, giám sát đánh giá việc thực hiện Kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh theo định kỳ hoặc đột xuất theo quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở đề xuất của Sở NN&PTNT và các cơ quan, đơn vị liên quan, báo cáo UBND tỉnh xem xét, bố trí vốn đầu tư công để thực hiện các hạng mục đầu tư thuộc Kế hoạch theo quy định.

Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh đề xuất trung ương hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề theo Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023 của Chính phủ (đối với tỉnh không cân đối được ngân sách). Cùng với đó, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan của cấp tỉnh, huyện, xã xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện để bố trí dự toán ngân sách các cấp địa phương hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định hiện hành. Đối với kinh phí do ngân sách Trung ương hỗ trợ, Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan tham mưu cơ quan có thẩm quyền phân bổ theo quy định.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thực hiện chính sách đào tạo nghề cho người lao động chuyển đổi nghề từ khai thác hải sản qua các ngành nghề khác trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động là thuyền viên tàu cá; trong đó, ưu tiên đối tượng là ngư dân tham gia chuyển nghề, xuất khẩu lao động.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở NN&PTNT và các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch truyền thông về các mô hình chuyển đổi nghề hiệu quả, về công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin cơ sở thông tin trên địa bàn tỉnh, tuyên truyền về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch.

Các sở, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp để thực hiện các nội dung của kế hoạch có liên quan đến ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.

UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này tại địa phương đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, chủ trì triển khai thực hiện các chính sách về chuyển đổi nghề khai thác thủy sản ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề khai thác hải sản thân thiện với môi trường; chính sách xả bản tàu cá trên địa bàn quản lý. Đồng thời, bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương và có cơ chế chính sách cụ thể phù hợp với tình hình của địa phương để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, khai thác và quản lý nghề khai thác hải sản hiệu quả, bền vững. Ngoài ra, định kỳ trước ngày 15/12 hàng năm gửi báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch này gửi về UBND tỉnh qua Sở NN&PTNT để báo cáo Bộ NN&PTNT theo quy định ./.


Tác giả: Minh Anh

Tin nổi bật Tin nổi bật