Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn trong phát triển chăn nuôi
(binhdinh.gov.vn) - Tại Công văn số 2310/UBND-KT ngày 01/04/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã có ý kiến yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách nhằm bảo vệ và phát triển ngành chăn nuôi trong nước nói chung và tại tỉnh Bình Định nói riêng; đồng thời, tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thuỷ sản qua biên giới vào Việt Nam và nhập vào tỉnh Bình Định.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: chinhphu.vn)
Theo đó, Thủ trưởng các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Văn bản số 1408/UBND-KT ngày 29/02/2024 của UBND tỉnh về việc triển khai Công điện số 12/CĐ-TTg ngày 31/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thuỷ sản qua biên giới vào Việt Nam và nhập vào tỉnh Bình Định. Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 51/2020/QĐ-UBND ngày 03/8/2020 về Chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021-2025.
UBND các huyện, thị xã và thành phố kiện toàn Ban chỉ đạo, tổ công tác liên ngành triển khai công tác kiểm soát giết mổ động vật tập trung; kiểm tra kiểm soát giết mổ, an toàn thực phẩm tại các địa phương để tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung sau: Tăng cường kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc và lý lịch của gia súc, gia cầm trong các cơ sở giết mổ, đặc biệt là các loại vật nuôi sống nhập vào địa bàn để làm giống và giết mổ. Tăng cường kiểm tra nguồn gốc các sản phẩm động vật tiêu thụ trên địa bàn; chú trọng kiểm tra các loại thực phẩm nhập khẩu như đầu, cổ, cánh, phủ tạng; gia súc, gia cầm loại thải; hạn sử dụng của các sản phẩm chăn nuôi đông lạnh nhập khẩu trong các kho dự trữ và các nơi bày bán, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng chống buôn lậu các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu vào thị trường Việt Nam và nhập vào tỉnh Bình Định. Phối hợp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tiến hành kiểm tra tại các cơ sở buôn bán, dự trữ sản phẩm đông lạnh trên địa bàn nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi buôn bán sử dụng hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tăng cường phát thanh tuyên truyền công tác chăn nuôi, tình hình dịch bệnh đến các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn để định hướng phát triển, tái đàn phù hợp với tình hình kinh tế.
Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường kiểm tra hồ sơ kiểm dịch xuất, nhập tỉnh đối với động vật và các sản phẩm động vật tại các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung, các cơ sở buôn bán, dự trữ sản phẩm đông lạnh nhập khẩu trên địa bàn nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi buôn bán sử dụng hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không có Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất tỉnh, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, triển khai Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh Bình Định, trong đó tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nâng cao tỷ lệ sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng cũng như giá trị gia tăng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế.
Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa nhập, buôn bán tại các siêu thị, đại lý, cửa hàng kinh doanh thực phẩm động vật và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát kinh tế thực hiện các chuyên đề phòng chống buôn lậu, kiểm tra hàng hóa nhập khẩu và xử lý vi phạm theo chức năng nhiệm vụ được giao./.