|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ứng phó sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng trên địa bàn tỉnh

(binhdinh.gov.vn) - Ngày 06/10/2023, UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 3677/QĐ-UBND Kế hoạch ứng phó sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Kế hoạch này áp dụng để ứng phó sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng (bao gồm: sập đổ công trình, dàn giáo trong khi thi công xây dựng; sập đổ công trình nhà cao tầng,...) gồm: Các công trình sử dụng cho mục đích dân dụng; công trình sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp nhẹ, công nghiệp vật liệu xây dựng quy định; công trình cung cấp cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ có cấp sự cố công trình xây dựng gồm cấp I, cấp II theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ.

Kế hoạch đề ra các giải pháp thực hiện cụ thể như sau: Xây dựng các tình huống giả định, phương án ứng phó và phối hợp khi xảy ra sự cố. Tổ chức thực hành diễn tập hàng năm về công tác ứng phó sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng. Đảm bảo cơ chế thống nhất trong chỉ đạo, chỉ huy, điều hành, ứng phó hiệu quả; khuyến khích các thành phần tự nguyện tham gia hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tăng cường vai trò trách nhiệm của các sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; tăng cường công tác kiểm tra các công trình đang xây dựng, các công trình có nguy cơ sập đổ theo quy định của pháp luật nhằm tránh xảy ra sự cố; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về các loại hình sự cố, thiên tai gây sập đổ công trình, nhà cao tầng và biện pháp phòng tránh. Tăng cường học tập kinh nghiệm quản lý, chỉ huy, điều hành, huấn luyện, đào tạo; khai thác có hiệu quả các nguồn vốn viện trợ, tài trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Bảo đảm chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước theo thứ tự ưu tiên: mua sắm trang thiết bị phổ thông phục vụ phương châm “bốn tại chỗ”; mua sắm trang thiết bị thiết yếu, chuyên dụng và xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các đơn vị chuyên trách thường trực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong từng tình huống cụ thể.

Sở Xây dựng có nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, phổ biến đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố; người đứng đầu các cơ sở, cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch này, kịp thời báo cáo UBND tỉnh các nội dung vướng mắc khi thực hiện. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư kiểm tra, đề xuất hướng xử lý các công trình, nhà cao tầng có nguy cơ xảy ra sự cố sập đổ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân, ảnh hưởng đến công trình lân cận và cộng đồng thuộc thẩm quyền. Tổ chức kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình, nhà cao tầng theo quy định tại Quyết định số 65/2021/QĐ-UBND ngày 09/11/2021 của UBND tỉnh ban hành Quy định về việc phân công, phân cấp quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, yêu cầu tạm dừng thi công nếu phát hiện chất lượng công trình không đảm bảo yêu cầu, có nguy cơ gây sập đổ công trình hoặc biện pháp thi công công trình không đảm bảo an toàn. Ngoài ra, Sở Xây dựng nghiên cứu, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế xây dựng các công trình, nhà ở, chung cư nhằm có khả năng chịu được động đất, gió, bão, lốc xoáy có cường độ cao, nhất là ở những vùng thường xuyên, trực tiếp ảnh hưởng.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các Sở: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công Thương, Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên Môi trường, Thông tin và Truyền thông, và các sở, ban, ngành có liên quan, Ban Quản lý khu Kinh tế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn (địa bàn xảy ra thảm họa, sự cố sập đổ công trình, nhà cao tầng) và chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm triển khai thực hiện; phối hợp với cơ quan tài chính đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán ngân sách, đảm bảo nguồn kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch.

UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra, đề xuất hướng xử lý các công trình, nhà cao tầng trên địa bàn quản lý có nguy cơ xảy ra sự cố sập đổ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và an toàn, lợi ích cộng đồng. Bên cạnh đó, tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm, tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh và Sở Xây dựng định kỳ hàng năm, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình và tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.

UBND các xã, phường, thị trấn kịp thời báo cáo với UBND cấp huyện về những công trình có nguy cơ xảy ra sự cố ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

Nhà thầu thi công xây dựng, chủ đầu tư và các bên có liên quan phải thường xuyên kiểm tra giám sát công tác an toàn lao động trên công trường. Khi xảy ra sự cố mất an toàn phải tạm dừng hoặc đình chỉ thi công đến khi khắc phục xong mới được tiếp tục thi công.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, người đứng đầu các cơ sở nhà cao tầng, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ được phân công chỉ đạo xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Định kỳ hàng năm sơ kết và báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Xây dựng) để theo dõi chỉ đạo.

Quyết định số 3677/QĐ-UBND ngày 06/10/2023 của UBND tỉnh có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.


Tác giả: Minh Anh

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật