Bình Định huy động hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ phát triển nông thôn
Chiều 31.10, Đoàn công tác liên ngành (Bộ NN&PTNT phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương) do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) và tín dụng chính sách xã hội năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TRỌNG LỢI
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Định làm việc với đoàn.
Báo cáo từ Văn phòng Điều phối Xây dựng NTM tỉnh cho biết, đến nay, Bình Định có 113 xã tham gia chương trình MTQG về xây dựng NTM, trong đó 91 xã đã hoàn thành các tiêu chí, 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM. Năm 2024, tổng ngân sách dành cho chương trình MTQG xây dựng NTM là hơn 235,3 tỷ đồng, bao gồm gần 9,97 tỷ đồng từ vốn năm 2022 và 2023 kéo dài sang 2024. Đến ngày 14.10, tỉnh đã giải ngân hơn 170,1 tỷ đồng, đạt 72,3% kế hoạch năm.
Ngoài ra, trong năm 2023 và 10 tháng đầu năm 2024, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Định đã hỗ trợ cho vay tại 113 xã thuộc chương trình xây dựng NTM, tổng doanh số cho vay đạt 2.943 tỷ đồng, với hơn 62.000 lượt khách hàng được vay vốn.
Chương trình xây dựng NTM đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và diện mạo nông thôn. Cơ sở hạ tầng KT-XH được đầu tư đồng bộ, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp. Hệ thống chính trị tại địa phương ngày càng vững mạnh, đảm bảo an ninh và trật tự xã hội. Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, các địa phương đã ưu tiên ngân sách để đáp ứng các tiêu chí đề ra, vượt kế hoạch hàng năm.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác Trung ương đã trao đổi chi tiết với lãnh đạo tỉnh và đại diện các sở, ngành về việc huy động sức mạnh tổng hợp cho công tác xây dựng NTM. Đoàn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát động các phong trào do Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai, như “Đường hoa”, “Đường tự quản”, “Thắp sáng đường quê”, cùng các mô hình bảo vệ an ninh cơ sở và môi trường. Những phong trào này đã góp phần đáng kể vào thành quả chung của chương trình xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Định đã huy động hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ phát triển nông thôn, bao gồm các chính sách tín dụng ưu đãi cho người dân vùng sâu, vùng xa. Tỉnh cũng thúc đẩy nâng cao giá trị sản phẩm OCOP bằng cách ứng dụng công nghệ, quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử để mở rộng thị trường. Chính quyền các cấp đã tạo điều kiện kết nối các chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ HTX phát triển sản phẩm OCOP bền vững hơn…
Trong buổi làm việc, UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, ít nhất tương đương với mức hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2020. Tỉnh cũng đề xuất được quan tâm hơn đến mô hình tổ chức và cơ chế làm việc của Văn phòng điều phối NTM địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và góp phần thực hiện tốt chương trình MTQG này trong giai đoạn tới.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam ghi nhận những nỗ lực của Bình Định trong việc thực hiện chương trình MTQG về xây dựng NTM và chương trình tín dụng chính sách xã hội năm 2024. Thứ trưởng đề nghị tỉnh xây dựng kế hoạch đầu tư cho chương trình NTM một cách cụ thể, rõ ràng, với nhiệm vụ và chỉ tiêu giao cho từng xã, gắn liền với tiến độ giải ngân tín dụng. Ông nhấn mạnh việc giải ngân nguồn vốn này cần gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ chính trị, đồng thời tăng cường giám sát nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Chương trình NTM cần được phối hợp với các dự án về chuyển đổi sản xuất và đào tạo nghề, từ đó góp phần cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống người dân. Thứ trưởng cũng lưu ý ưu tiên các xã miền núi trong việc triển khai các dự án cung cấp nước sạch tập trung bằng nguồn vay từ ngân hàng chính sách xã hội.
Ngoài ra, tỉnh cần khuyến khích thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bằng cách xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc trưng, mở rộng chương trình OCOP và phát triển du lịch nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình MTQG về xây dựng NTM theo các chỉ tiêu đề ra trong năm 2024 và hướng đến kế hoạch 2025. Đặc biệt, tỉnh cần bố trí nguồn kinh phí cho việc duy tu, bảo dưỡng các tiêu chí đã đạt nhằm đảm bảo duy trì chất lượng NTM trong dài hạn.
Thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang tiếp thu ý kiến chỉ đạo, đóng góp của đoàn công tác; tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành… tập trung theo dõi, đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung thành phần thuộc chương trình MTQG xây dựng NTM, thực hiện rà soát, điều chỉnh những danh mục công trình còn vướng chưa thực hiện được để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn chương trình, phấn đấu giải ngân 100% vốn được giao trong năm 2024. Chỉ đạo tăng cường duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM tại các xã đã công nhận đạt chuẩn; trong đó tập trung các tiêu chí về cảnh quan môi trường, chất lượng môi trường sống, thu nhập, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, triển khai thực hiện hiệu quả chương trình OCOP…