A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi số: Nhiều ứng dụng thiết thực trong thực tiễn

Sau những bỡ ngỡ bước đầu, guồng quay chuyển đổi số của tỉnh đã bắt nhịp, gặt hái được những thành quả nhất định sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20.9.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX) về chuyển đổi số tỉnh Bình Ðịnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Gần đây, thông qua phần mềm cảnh báo cháy rừng được đơn vị kết nối với Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) công tác dự báo, phòng ngừa cháy rừng của Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) đạt độ chính xác cao hơn trước rất nhiều. Theo đó, chỉ vài thao tác nhấp chuột tại địa chỉ https://watch.pcccr.vn/CanhBao, công chức kiểm lâm dễ dàng xác nhận và nắm bắt các điểm có nguy cơ cháy cao để tham mưu cho lãnh đạo Chi cục chỉ đạo các hạt kiểm lâm, chủ rừng... tổ chức kiểm tra, xác minh và triển khai các biện pháp phòng ngừa hoặc chữa cháy kịp thời.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, không chỉ ở lĩnh vực lâm nghiệp, chuyển đổi sổ (CĐS) còn lan tỏa ở nhiều lĩnh vực khác của ngành, trong đó có trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thủy lợi... Đơn cử như, trong lĩnh vực thủy lợi, với thiết lập phần mềm dự báo ngập lụt vùng hạ du hồ chứa nước Định Bình, Sở đã tham gia hỗ trợ vận hành điều tiết giảm ngập theo thời gian thực được tích hợp tại website http://hochuavietnam.vn; xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ quản lý hệ thống đê điều mã nguồn mở BDykeGIS trực tuyến qua website https://pcttbinhdinh.gov.vn...

Công chức của Chi cục Kiểm lâm theo dõi diễn biến về nguy cơ cháy rừng trên phần mềm để cảnh báo kịp thời. Ảnh: TRỌNG LỢI

Bên cạnh đó, nhiều DN của ngành nông nghiệp cũng CĐS khá thành công. Chẳng hạn, Công ty CP Yuuki Farm, Trung tâm nghiên cứu và Dịch vụ KHCN Quang Trung, HTX Nông nghiệp hữu cơ Agribio... đã ứng dụng công nghệ số khi thực hiện tưới nước, bón phân, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm... hoàn toàn tự động; HTX
Nông nghiệp Phước Hiệp và HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa thực hiện công tác thu thập thông tin truy xuất nguồn gốc qua mã vạch QR đối với sản phẩm rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, trại bò sữa Vinamilk, trại heo của các công ty: Mavin, Việt Thắng, Thành Phú, Phú Hưng... thì sử dụng phần mềm kiểm soát dịch bệnh, quản lý cho ăn, uống tự động, quản lý nhiệt độ, độ ẩm, áp suất chuồng và kiểm soát lượng thức ăn hằng ngày.

Ông Lê Văn Dư, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (huyện Tuy Phước), cho hay, toàn bộ chuồng trại, trang thiết bị lắp đặt theo công nghệ hiện đại, đồng bộ tiêu chuẩn châu Âu, gồm: Hệ thống ăn, uống tự động; hệ thống kiểm soát khí hậu chuồng nuôi, chiếu sáng, áp suất, độ ẩm, nhiệt độ, đảm bảo tối ưu cho sự sinh trưởng và phát triển của gà; thức ăn được vận chuyển từ nhà máy sản xuất về trại chăn nuôi bằng xe chuyên dụng, cho vào hệ thống silo thức ăn tổng của trại bằng hệ thống bơm khí nén, sau đó chuyển tự động về các chuồng nuôi theo nhu cầu thức ăn đã được lập trình, kiểm soát theo từng giai đoạn phát triển của gà. Tất cả các thiết bị được kết nối với trung tâm điều khiển tại phòng kỹ thuật.

Đưa vào sử dụng tháng 11.2020, ứng dụng VssID-BHXH số trên thiết bị di động là một bước đột phá mạnh mẽ trong công tác CĐS của ngành BHXH. Thay vì mang thẻ BHYT khi đến khám chữa bệnh, người dân chỉ cần mang theo thiết bị đầu cuối (điện thoại thông minh, máy tính bảng…) có cài đặt ứng dụng VssID. Chỉ sau vài phút đã có thể hoàn tất thủ tục đăng ký khám chữa bệnh hưởng BHYT. Chính vì sự tiện lợi này mà đến nay, toàn tỉnh có hơn 558 nghìn người đã cài đặt VssID.

“Trước đây, mỗi lần đi khám bệnh, tôi lại lỉnh kỉnh đem các loại giấy tờ đến làm thủ tục. Nhiều khi vội đi, bỏ quên thẻ căn cước, hay thẻ bảo hiểm phải quay về lấy và trở lại bệnh viện, vừa tốn thời gian, vừa vất vả đi lại. Giờ đây, tất cả các giấy tờ được tích hợp trong ứng dụng nên mọi thứ rất tiện lợi!” - chị Nguyễn Thị Năm, ở xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) thổ lộ. Thông qua ứng dụng VssID, người lao động cũng dễ dàng tìm kiếm, tra cứu và giám sát quá trình đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT chính xác, thuận tiện, nhanh chóng.

Ngành du lịch cũng thực hiện khá nhiều giải pháp CĐS. Có thể kể đến như, thực hiện phòng họp không giấy thông qua các hình thức gửi tài liệu họp qua email, mã QR và nhiều nền tảng khác…; hoặc ứng dụng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ; hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân và DN về giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công; chủ động sử dụng hiệu quả các nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok, Youtube,…) để tăng cường thông tin, quảng bá du lịch.

Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Sở còn sử dụng mã QR giới thiệu thông tin về nhiều di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng, một số lễ hội; đặc biệt là hoàn thành kho dữ liệu quảng bá với công nghệ mới ảnh 360, 3D tại Bảo tàng Quang Trung, hình thành dữ liệu giọng nói (thuyết minh ảo) của các điểm du lịch, làng nghề, di tích tích hợp trên Cổng thông tin du lịch Bình Định và đăng tải tuyên truyền trên mạng xã hội…

“CĐS là xu thế tất yếu với mục tiêu cao nhất là phục vụ người dân, hạn chế lãng phí thời gian, tiền bạc, nâng cao khả năng quản trị, quản lý của cá nhân, tổ chức, đơn vị. Những thành quả đầu tiên đã “đơm hoa kết trái” trên tiến trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số” - Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở TT&TT, nhìn nhận.  


Tác giả: TRỌNG LỢI
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật