|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số

(binhdinh.gov.vn) - Sáng ngày 24/4, tại trụ sở Chính phủ (TP.Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, tập trung đánh giá tình hình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số từ đầu năm tới nay và thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi số, phát triển kinh tế số thời gian tới.

Quang cảnh Phiên họp tại điểm cầu Bình Định.

Phiên họp được kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ngành, thành viên Ủy ban; lãnh đạo các địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin.

Tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh Bình Định; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan.

Theo báo cáo tại hội nghị: Thời gian qua công tác CĐS đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, trong 04 tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành các văn bản, chính sách để hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. Chiến lược dữ liệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 142/QĐ-TTg, trong đó xác định: Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; cơ bản phản ánh đầy đủ mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội trên môi trường số và là nhân tố thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo cho tiến trình chuyển đổi số thành công, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn. Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, các Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương được kiện toàn, bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành về chuyển đổi số kịp thời, hiệu quả. Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số phục vụ công tác tham mưu, quản lý, điều hành triển khai chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương tiếp tục được quan tâm, thực hiện. Đến nay, trong tổng số 22 đơn vị chuyên trách CNTT, chuyển đổi số thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ có 11 đơn vị chuyên trách CNTT hoạt động theo mô hình cấp Cục và 11 đơn vị hoạt động theo mô hình Trung tâm sự nghiệp. Có 03 đơn vị được kiện toàn chức năng nhiệm vụ, đổi tên gắn liền với “chuyển đổi số”. Tại các địa phương, thống nhất một mô hình đơn vị chuyên trách CNTT, chuyển đổi số tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Sở Thông tin và Truyền thông. Đến nay đã có 20 bộ, ngành và 62 địa phương đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024, trong đó xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực theo chức năng, phạm vi quản lý của các bộ, ngành, địa phương. Còn 02 bộ và 01 địa phương chưa ban hành, hiện nay đã hoàn thiện, sẽ ban hành trong tháng 4 là Bộ Y tế, Bộ Công Thương và tỉnh Tây Ninh. 16 bộ, cơ quan ngang Bộ; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và 63/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 06/CP. Các cơ quan nhà nước tiếp tục khai thác, vận hành hiệu quả các Cơ sở dữ liệu quốc gia trong quản lý, điều hành kinh tế xã hội…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc - baochinhphu.vn)

Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác CĐS. Đồng thời, nhấn mạnh Chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời góp phần giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, chống tham nhũng, tiêu cực. 
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới: tập trung thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, trong đó có phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Chú trọng 3 đột phá chiến lược gồm: Thể chế, trong đó có thể chế liên quan đến chuyển đổi số; nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trong đó trọng tâm là nhân lực phục vụ chuyển đổi số; kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng số.
Cùng với đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách (như dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới…) và thanh toán không dùng tiền mặt.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban và các cấp, các ngành, các địa phương phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao công tác chuyển đổi số quốc gia, bảo đảm hiệu quả và thực chất…


Tác giả: DTD

Tin liên quan

Tin nổi bật Tin nổi bật