Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 23/12/2024, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tới dự và chỉ đạo hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành gồm: Sở Tài chính; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch; Phòng PA03, Phòng PC06 - Công an tỉnh; Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định; Báo Bình Định; Hội Nhà báo tỉnh; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm VH-TT-TT các huyện, thị xã, thành phố; Các đơn vị, doanh nghiệp ngành thông tin và truyền thông.
Tại hội nghị, đồng chí Phạm Ngọc Thái - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định báo cáo tóm tắt kết quả công tác năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Theo đó, năm 2024, với chủ đề “Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Định tiếp tục làm tốt chức năng quản lý nhà nước trên toàn lĩnh vực của Ngành; tập trung vào nhiệm vụ truyền thông chính sách, quảng bá, phát triển hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, bảo đảm phục vụ kịp thời sự chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp, đáp ứng tối đa nhu cầu thông tin liên lạc của mọi tầng lớp Nhân dân; đưa ngành Thông tin và Truyền thông ngày càng tăng trưởng, khẳng định được vai trò, vị thế, trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Về hạ tầng viễn thông, đã hoàn thành việc phủ sóng 4G đến 100% trung tâm xã, thị trấn và triển khai thí điểm mạng 5G tại các khu vực trọng điểm. Tổ chức triển khai Chương trình Viễn thông công ích trên địa bàn tỉnh, xác nhận 30 điểm của Viettel Bình Định, 03 điểm của VNPT Bình Định triển khai cho các điểm trường, trạm y tế, UBND xã được hỗ trợ sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng với gần 10.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ dịch vụ viễn thông công ích trên địa bàn tỉnh. Công tác chỉnh trang cáp viễn thông, truyền hình gắn với chỉnh trang đô thị được triển khai đồng bộ. Đến nay đã thực hiện 66 tuyến đường với khối lượng 68,39 km đã được chỉnh trang.
Nhiều nền tảng, cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quan trọng phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số đã được triển khai, đặc biệt, hệ thống hạ tầng Trung tâm dữ liệu tỉnh đã được đầu tư và hoàn thiện, đảm bảo tính an toàn, sẵn sàng phục vụ nhu cầu kết nối liên thông và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, Hạ tầng Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh (Hạ tầng Data Center) tiếp tục được bảo trì, bảo dưỡng, cơ bản đảm bảo và đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin gồm: Hệ thống văn phòng điện tử; Hệ thống thư điện tử, các Trang thông tin điện tử, trục liên thông kết nối, hệ thống dịch vụ đô thị thông minh.
Về công tác truyền thông chính sách, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp hiệu quả với 25 cơ quan báo chí để thực hiện công tác truyền thông chính sách đảm bảo thông tin chính thống được truyền tải kịp thời, đầy đủ, chính xác, quảng bá những hoạt động, hình ảnh của tỉnh đến bạn bè trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, hệ thống đài truyền thanh cơ sở được hiện đại hóa với 138 đài ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, hơn 2.700 cụm loa được kết nối với hệ thống thông tin nguồn trung ương và tỉnh đã thực sự trở thành kênh thông tin gần gũi, góp phần xây dựng xã hội thông tin hiện đại…
Về quản lý bưu chính: việc triển khai thuê dịch vụ tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận một cửa của các địa phương, số hóa thủ tục hành chính tại các điểm bưu chính công cộng đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử.
Bên cạnh đó, Sở cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức và tham mưu tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo chuyên sâu về bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và kinh tế số, khẳng định vai trò quan trọng của Bình Định trong chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo tại khu vực miền Trung. Hạ tầng kỹ thuật và công nghệ tiếp tục được đầu tư và nâng cấp, tạo nền tảng cho ngành công nghiệp công nghệ thông tin Bình Định ngày càng phát triển, trở thành trung tâm công nghệ cao của miền Trung và cả nước. Khu công viên Phần mềm Quang Trung - Bình Định hiện có 2 DN hoạt động (Công ty TNHH TMA Bình Định và Công ty TNHH Phần mềm FPT Quy Nhơn), với khoảng 1.300 lao động và doanh thu đạt hơn 386 tỷ đồng.
Đồng chí Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT chủ trì hội nghị đã trao đổi, giải đáp các vấn đề liên quan đến hoạt động chuyển đổi số, hoạt động truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông đối với hệ thống phát thanh cơ sở, phát triển các trạm BTS, các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng, nguồn nhân lực đáp ứng quá trình chuyển đổi số, tinh gọn bộ máy trong thời gian tới được đại diện lãnh đạo các địa phương nêu tại hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang biểu dương và ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực và những thành tựu của ngành Thông tin và Truyền thông đã đạt được trong năm 2024.
Bước sang năm 2025, năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang đề nghị ngành Thông tin và Truyền thông cần đẩy nhanh việc phủ sóng 5G toàn tỉnh, đặc biệt xóa vùng lõm, vùng trắng ở khu vực nông thôn, miền núi. Đồng thời, phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) để hỗ trợ các ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp và đô thị thông minh... Bên cạnh đó, cần tập trung triển khai các đề án quan trọng như Đề án phát triển bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và an toàn - an ninh mạng; Đề án xây dựng kho dữ liệu số thông minh và Đề án xây dựng Khu CNTT tập trung. Tăng cường khả năng kết nối dữ liệu liên thông, đồng bộ hóa với các cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ hiệu quả công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo cần được chú trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang lưu ý ngành Thông tin và Truyền thông cần quan tâm, chú trọng triển khai thực hiện việc phối hợp sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy. Đây là bước đi quan trọng nhằm tối ưu hóa nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ chuyển đổi số. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông quán triệt sâu sắc tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp và triển khai nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ này. Đồng thời, cần chú trọng tạo sự đồng thuận trong nội bộ, đảm bảo quá trình hợp nhất diễn ra thuận lợi, ổn định và đạt được mục tiêu đề ra...