|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cục văn thư và lưu trữ Nhà nước tổ chức hội nghị “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý hiếm trong nước và những vấn đề đặt ra”

(binhdinh.gov.vn)-Sáng 1-11, tại TP. Quy Nhơn, Cục văn thư và lưu trữ Nhà nước phối hợp với Sở nội vụ tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị với chủ đề “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý hiếm trong nước và những vấn đề đặt ra”. Đến dự hội nghị có Tiến sĩ Vũ Minh Hương, Cục trưởng Cục văn thư và lưu trữ Nhà nước; Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Thị Thu Hà cùng đại diện lãnh đạo Sở nội vụ, Chi cục văn thư - lưu trữ 63 tỉnh, thành trong cả nước (ảnh).

Báo cáo tại hội nghị cho biết: Từ năm 2012, sau khi Đề án “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý hiếm của Việt nam và về Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công tác sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm ở trong nước và nước ngoài của Cục văn thư và lưu trữ Nhà nước và một số tỉnh, thành trong cả nước đã thu được những kết quả nhất định. Tính từ năm 2008 đến nay, Cục văn thư và lưu trữ Nhà nước đã tổ chức hơn 40 đoàn sửa tầm tài liệu lưu trữ quý hiếm tại nhiều tỉnh, thành phố và tổ chức 15 buổi lễ tiếp nhận tài liệu lưu trữ quý, hiếm. Trong đó, đã sưu tầm được bản gốc hơn 50m giá tài liệu; 850 tài liệu, tư liệu, 1.465 ảnh, 48 quyển sách, 4 bộ phim và gần 20 sắc phong; 225 tờ tài liệu Hán – Nôm (bản sao); 86 văn bản thuộc tập Châu bản triều Nguyễn triều Bảo Đại (1938-1939) viết bằng chữ hán, chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp; 632 trang tài liệu địa bạ; hơn 2.700 trang tài liệu, tư liệu; 40 ảnh, hơn 3.000 tấm tài liệu Mộc bản, khoảng 460 sắc phong, 11 chiếu, 2 tấn phong.

 

Cũng từ năm 2008 đến nay, Cục văn thư và lưu trữ Nhà nước đã tổ chức được 10 đoàn đi khảo sát, sưu tầm tài liệu về Việt Nam hiện đang bảo quản tại một số lưu trữ công, Thư viện, Bảo tàng, Viện nghiên cứu ở các nước trên thế giới, chụp được hơn 47.200 trang tài liệu, sưu tầm hơn 14.100 trang tài liệu dạng microphim, bản sao 2 đĩa CD và 1 cuốn sách liên quan đến Việt Nam… Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy, công tác sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc như: thiếu cơ chế, chính sách đặc thù; thiếu thông tin đầy đủ về các nguồn tư liệu, tài liệu lưu trữ quý, hiếm; chưa có cơ chế phối hợp giữa Cục văn thư và lưu trữ Nhà nước với các địa phương…

 

Do vậy, tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất các cơ chế chính sách sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm; cơ chế phối hợp giữa Cục văn thư và lưu trữ Nhà nước với các địa phương trong quá trình điều tra, khảo sát, sưu tầm tài liệu; đầu tư kinh phí, trang thiết bị phục vụ cho việc sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm và bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác này…

 

Tin - ảnh: XUÂN NGUYÊN   


Tin nổi bật Tin nổi bật