Đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, đời sống
Thời gian qua, Sở KH&CN Bình Định đã triển khai hiệu quả công tác tham mưu, quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp quốc gia; đề xuất đặt hàng các tổ chức, cá nhân trong tỉnh thực hiện các đề tài nghiên cứu; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu, thử nghiệm vào sản xuất và đời sống. Qua đó, góp phần khẳng định vai trò, vị trí của hoạt động KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trung tâm Thông tin - Ứng dụng Khoa học và công nghệ (BIAST) là một trong những đơn vị đi đầu trong tỉnh thực hiện công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn. Các đề tài nghiên cứu BIAST thực hiện thời gian qua đã và đang được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống; góp phần thực hiện chuyển giao tiến bộ KHKT, giúp người dân tiếp cận những thành tựu KH&CN mới; đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của nhiều loại cây trồng và vật nuôi.
Bà con nông dân tham quan, học tập mô hình sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo tại Trung tâm Thông tin - Ứng dụng Khoa học và Công nghệ. Ảnh: HH
Điển hình là đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến một số sản phẩm nấm Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) tại tỉnh Bình Định”. Thực hiện đề tài này, BIAST trở thành đơn vị đầu tiên trong tỉnh sản xuất giống nấm Đông trùng hạ thảo. Cho tới nay, Trung tâm đã làm chủ quy trình công nghệ từ khâu phân lập nhân giống, giữ giống, sản xuất giống đến bảo quản, chế biến và chủ động sản xuất một số sản phẩm từ nấm Đông trùng hạ thảo để cung cấp cho thị trường, như: quả thể đông trùng hạ thảo sấy khô, rượu đông trùng hạ thảo... Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đang tiếp tục phát triển mở rộng sản xuất, cung ứng ra thị trường nguồn dược liệu quý này; đồng thời, thực hiện chuyển giao công nghệ cho các hộ dân và doanh nghiệp có nhu cầu, góp phần tạo thêm một nghề mới cho người dân địa phương phát triển kinh tế.
Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bề mặt tế bào nấm men Saccharomyces Cerevisiae sản xuất chế phẩm sinh học - Probiotic phòng ngừa bệnh đốm trắng trong nuôi tôm ở Bình Định” đã nghiên cứu sản xuất các chế phẩm sinh học BIDI-AGRI để bổ sung vào thức ăn nuôi tôm, giúp tôm tăng sức đề kháng; BIDI-AQUA dùng xử lý môi trường ao nuôi tôm, hạn chế dịch bệnh phát sinh. Các chế phẩm sinh này đã được Trung tâm hỗ trợ cho các hộ nuôi tôm trong tỉnh sử dụng và mang lại hiệu quả. Theo đánh giá của các hộ nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học để nuôi tôm trong ao trải bạt: Các chế phẩm sinh học BIDI-AGRI và BIDI-AQUA giúp xử lý ao nuôi giữ nước trong ao lúc nào cũng trong, giữ các chỉ số môi trường trong ao ở ngưỡng ổn định; tôm nuôi có tỷ lệ sống cao, ít bị nhiễm các bệnh về đường ruột nhờ tăng sức đề kháng. BIAST đang có định hướng mở rộng sản xuất ở quy mô công nghiệp các loại chế phẩm sinh học trên để cung ứng ra thị trường, đáp ứng nhu cầu người nuôi tôm trong tỉnh.
Thực hiện nhân giống nuôi cấy mô cây giống lâm nghiệp tại doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh. Ảnh: HH
Các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu KH&CN tại Bình Định thời gian qua được triển khai trong tất cả các ngành, lĩnh vực đời sống và sản xuất. Trong đó, các nhiệm vụ nghiên cứu trên lĩnh vực nông nghiệp chiếm gần một nửa. Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đề tài trên lĩnh vực này đã góp phần đưa tiến bộ KHKT phục vụ kịp thời chủ trương phát triển nông nghiệp của tỉnh, như phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phát triển cây ăn quả trên đất gò đồi, trồng rừng gỗ lớn… Điển hình là dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển công nghệ sản xuất cây giống lâm nghiệp mới, chất lượng cao phục vụ trồng rừng cây gỗ lớn tại một số vùng miền núi tỉnh Bình Định” thuộc Chương trình Nông thôn miền núi, do doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh thực hiện. Sau 4 năm triển khai, doanh nghiệp đã làm chủ quy công nghệ nuôi cấy mô phân sinh tiên tiến để tiến hành nhân giống nuôi cấy mô ở quy mô công nghiệp các giống keo lá tràm (Clt7, Clt18, Clt26), bạch đàn Caman (C55, BV2), bạch đàn lai (UP54) phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của khu vực miền Trung, đặc biệt là Bình Định. Đồng thời, thực hiện chuyển giao kỹ thuật sản xuất cây giống (keo lá tràm, bạch đàn) bằng công nghệ kết hợp mô - hom cải tiến cho các vườn ươm ở địa phương. Song song đó, doanh nghiệp còn hỗ trợ nhiều cá nhân và tổ chức trong tỉnh trồng các diện tích rừng sử dụng loại cây giống mới chất lượng cao; qua đó góp phần tạo động lực cho phong trào chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.
Bên cạnh nông nghiệp, y học cũng là lĩnh vực được tập trung nghiên cứu nhiều tại Bình Định. Các kết quả nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực này thời gian qua được đánh giá có tính ứng dụng cao, nhất là trong việc khám điều trị bệnh phòng chống dịch bệnh, điều trị ung thư, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Điển hình là đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình sàng lọc ung thư vú dựa vào y tế cơ sở cho phụ nữ trong độ tuổi nguy cơ tại huyện Vân Canh” do TS Nguyễn Thị Như Tú thuộc Sở Y tế làm chủ nhiệm. Kết quả đề tài đã góp phần nâng cao kiến thức và khả năng thực hành về sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú của phụ nữ tại thị trấn Vân Canh. Tỷ lệ phụ nữ thực hành tự khám vú, khám lâm sàng tuyến vú và chụp X-quang tuyến vú tại thị trấn Vân Canh cũng tăng cao. Đó cũng là cơ sở để đơn vị tiếp tục nghiên cứu triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Với sự phát triển nhanh chóng của KH&CN, công tác nghiên cứu khoa học, nhân rộng và chuyển giao kết quả từ các đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tế đóng vai trò ngày càng quan trọng. Chính vì vậy, thời gian tới, Bình Định cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp, chính sách; qua đó, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia đề xuất, triển khai các đề tài nghiên cứu cũng như áp dụng các kết quả nghiên cứu vào đời sống, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà.