|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thâm canh lúa cải tiến SRI: Giải pháp tốt để thích ứng biến đổi khí hậu

Cùng với nhiều giải pháp trong tổ chức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu như chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn, thay đổi lịch thời vụ và lựa chọn cơ cấu giống theo từng mùa, thâm canh lúa cải tiến SRI cũng là một trong những giải pháp tốt mà ngành nông nghiệp khuyến khích bà con nông dân thực hiện.

Thâm canh lúa cải tiến SRI là phương thức canh tác lúa sinh thái dựa trên các yếu tố “tăng - giảm” phù hợp, đó là giảm chi phí đầu vào (vật tư, giống, phân bón…), tăng giá trị kinh tế. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), năm 2022, tỉnh Bình Ðịnh có 3.929 ha ruộng lúa thâm canh cải tiến SRI; đặt mục tiêu đến năm 2025 tăng lên 5.000 ha.

Phương thức thâm canh lúa SRI phù hợp với những diện tích liên kết sản xuất lúa quy mô lớn.  Ảnh: THU DỊU

Tuy nhiên, để có thể thâm canh cải tiến SRI, hạ tầng đồng ruộng phải đáp ứng tốt điều kiện tưới tiêu, quy mô diện tích đủ lớn để tổ chức sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, việc chuyển đổi từ canh tác kiểu cũ sang canh tác theo phương thức SRI rất kén chọn đối tượng, không phải ở đâu và ai cũng có thể chuyển đổi. Chính vì vậy tỉnh Bình Ðịnh không thực hiện đồng loạt mà tập trung trước tiên cho những vùng có điều kiện phù hợp.

Ông Nguyễn Cường, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) cho hay, áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI trên cùng một diện tích, so với canh tác kiểu cũ sẽ tiết kiệm được 60 - 80% lượng giống, từ 50% lượng nước tưới, tiết kiệm được hơn 50% lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, năng suất cao hơn từ 10 - 30%. Ðể áp dụng SRI, cần phải có hệ thống tưới tiêu tốt để thực hiện khâu tưới “ướt - khô” xen kẽ; diện tích sản xuất phải đủ lớn, do đó các cánh đồng liên kết, cánh đồng mẫu lớn sẽ dễ áp dụng hơn, theo đó sẽ sản xuất đồng loại cùng giống lúa, xuống giống cùng thời điểm…

Nói về điểm thuận lợi của việc canh tác thâm canh lúa cải tiến SRI, ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTXNN 2 Nhơn Thọ (TX An Nhơn), cho biết, toàn bộ 200 ha liên kết sản xuất lúa giống của HTX đều áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI. Kết quả, cây lúa sinh trưởng tốt, lúa thưa nên sâu bệnh giảm nhiều, việc tưới tiêu thuận tiện hơn. Vụ Ðông Xuân 2022 - 2023 và vụ Hè Thu năm 2022, HTX còn ứng dụng thêm kỹ thuật sạ cụm bằng máy cho diện tích liên kết sản xuất này (thí điểm 1 ha) áp dụng quy trình thâm canh SRI, bước đầu cho thấy kết quả khả quan, lúa không bị ngã đổ, năng suất lúa tăng cao và quá trình sinh trưởng ít bị tác động của sâu bệnh.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu, một nông dân ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, nhờ được tập huấn về kỹ thuật canh tác SRI, ngoài việc tiết giảm chi phí đầu tư thì lợi ích mà nông dân thấy rất rõ là sự cải thiện về môi trường xung quanh. Nếu trước đây, nông dân vừa phun nhiều thuốc phòng trừ sâu bệnh hại, vừa giảm đi thăm đồng, tìm cách bảo vệ sức khỏe thì nay bà con chuyển sang thăm đồng thường xuyên hơn, không phun phòng ngừa, chỉ phun trường hợp lúa xuất hiện sâu bệnh, khoanh vùng. Việc phun thuốc theo hướng dẫn vừa đảm bảo được hiệu quả phòng ngừa, vừa tránh việc lạm dụng thuốc.

Hiện nay, các địa phương như Tuy Phước, An Nhơn, Hoài Ân, Hoài Nhơn đang duy trì và mở rộng diện tích canh tác lúa thâm canh cải tiến SRI ở các vùng phù hợp. Theo ông Lê Hoài Lam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trên cơ sở kế hoạch mà toàn ngành đề ra, Chi cục đẩy mạnh phối hợp chuyển giao và nhân rộng các quy trình canh tác lúa tiến SRI vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí và bảo vệ môi trường. Phương thức canh tác này áp dụng hiệu quả ở các diện tích cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn liên kết với các DN hình thành các vùng sản xuất lúa giống tập trung ở huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát, TX An Nhơn,  TX Hoài Nhơn.


Tác giả: THU DỊU
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật