Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp: Tập trung giải quyết khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện
Quang cảnh hội nghị
Dự án LCASP do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ, vốn được triển khai tại 10 tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Nam Định, Hà Tĩnh; Bình Định; Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng. Tổng vốn đầu tư của Dự án là 48,170 triệu SDR, trong đó vốn đối ứng 10 triệu USD. DA được thực hiện từ năm 2013 đến năm 2018, gồm 4 hợp phần chính: Quản lý chất thải chăn nuôi; tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh học; chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp các bon thấp; quản lý Dự án. Mục tiêu của Dự án nhằm giảm ô nhiễm từ nông nghiệp và góp phần tạo môi trường trong sạch hơn tại 10 tỉnh của Việt Nam.
Theo đánh giá của Ban Quản lí Dự án, nhìn chung năm 2015, 10 tỉnh thành tham gia DA đã tuyển chọn, tổ chức tập huấn về tiêu chuẩn kỹ thuật công trình khí sinh học (CTKSH) cho thợ xây lắp đặt công trình, đồng thời hỗ trợ xây lắp 15.393 CTKSH cho người dân. Bình Định là địa phương dẫn đầu với 2.510 công trình, như vậy, tổng số CTKSH quy mô nhỏ đã được xây dựng từ đầu dự án đến nay là 4.458 công trình đạt tỷ lệ 99% so với kế hoạch, hầu hết các công trình đều phát huy hiệu quả. Việc thực hiện DA LCASP đã giúp các địa phương quản lý tốt chất thải, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, đối với hợp phần tín dụng cho các chuỗi giá trị khí sinh học thuộc DA vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo đại diện của Ngân hàng PTNT Việt Nam, mặc dù ngân hàng đã có nhiều nỗ lực nhưng hiện tại vẫn chưa thể giải ngân thêm vốn tới khách hàng. Nguyên nhân là do đối tượng tài trợ của Dự án hạn chế; giá cả đầu ra của sản phẩm chăn nuôi hiện đang ở mức thấp, các hộ chăn nuôi bị thua lỗ hoặc lãi ít nên không muốn đầu tư chăn nuôi.
Còn Ngân hàng Hợp tác xã thì cho rằng, Dự án LCASP là DA khá đặc thù, hạng mục được vay vốn còn nhiều hạn chế. Theo khảo sát, người dân chủ yếu có nhu cầu vay theo gói chăn nuôi kết hợp xây hầm Biogas, trong khi đó DA chỉ cho vay xây hầm Biogas và một số hạng mục trong chuỗi giá trị nên mặc dù với mức lãi suất ưu đãi nhưng các hộ dân vẫn rất cân nhắc.
Theo ý kiến của nhiều địa phương tham gia DA, việc thực hiện DA vẫn còn gặp khó khăn là do: nhận thức của người dân về xử lý chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường còn hạn chế; hiện công trình KSH có quy mô vừa và lớn chưa có mẫu thiết kế thực hiện theo thị hiếu của người chăn nuôi hiện nay, công trình bằng vật liệu HDPE ở một số nơi chưa có nhà cung cấp để tư vấn cho hộ chăn nuôi nên việc triển khai mô hình này còn chậm; các định chế tài chính chậm triển khai gói tín dụng cho các chuỗi giá trị KSH hoặc có triển khai nhưng buộc người vay phải thế chấp tài sản nên khó tiếp cận vốn vay…
Để DA được khai có hiệu quả trong thời gian tới, các đại biểu đề xuất ADB mở rộng và đa dạng các hạng mục cho vay trong một khoản vay theo chuỗi giá trị bao gồm hầm khí sinh học, cho vay hỗ trợ chăn nuôi, xây dựng, cải tạo chuồng trại, xử lý phế phụ phẩm trong nông nghiệp và chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ, xử lý môi trường trong chăn nuôi… Đồng thời, cần xây dựng khung định mức cụ thể về tài chính cũng như ban hành các quy định hướng dẫn kỹ thuật xây dựng công trình khí sinh học quy mô vừa và lớn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các hộ dân.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Ban quản lý Dự án LCASP và các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Thứ trưởng yêu cầu, thời gian tới BQL DA phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn hỗ trợ DA và các ngân hàng thương mại tham gia DA thực hiện đồng bộ và hiệu quả 4 hợp phần của DA, trong đó tập trung giải quyết khó khăn phần tín dụng cho các chuỗi giá trị sinh học, để ngày càng nhiều người được hưởng lợi từ DA này./.
Tin, ảnh: Nguyễn Thị Thanh