|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giữ vững lòng dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Những năm gần đây, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên dùng những chiêu trò kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước. Trước tình hình đó, các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giúp người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhận diện, tự đấu tranh và phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Quan tâm vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hiện nay, người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh sinh sống ở 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 11.670 hộ/42.847 người DTTS, chiếm khoảng 2,8% dân số toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc Chăm, Bana, H’re.

Những năm qua, tỉnh luôn ưu tiên mọi nguồn lực để tập trung phát triển KT-XH cho vùng DTTS. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), bao gồm: Xây dựng nông thôn mới; phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; giảm nghèo bền vững. Tính đến cuối năm 2023, các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh đã giải ngân được 734,6 tỷ đồng từ 3 chương trình MTQG.

Kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS hằng năm từ 3 - 4%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông; 90% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 70% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông… Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã tạo việc làm cho khoảng 28.500 lao động (trong đó xuất khẩu lao động 700 người).

Tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XIII thông qua Nghị quyết thí điểm phân cấp cho huyện An Lão trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG. Từ đó, HĐND huyện An Lão được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình MTQG trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025…

Lãnh đạo Bộ Tài chính, tỉnh, huyện Tây Sơn và đơn vị tài trợ thực hiện nghi thức khánh thành công trình Trường Tiểu học Vĩnh An (xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn). Ảnh: D.Đ   

Tăng cường công tác dân vận cơ sở

Những năm qua, vùng DTTS và miền núi luôn được xác định rõ là khu vực trọng yếu, giữ vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Bởi vậy, công tác dân vận ở vùng DTTS và miền núi trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam và hội, đoàn thể các cấp, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc thực hiện chủ trương của Đảng về công tác dân vận ở vùng DTTS.

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVIII) về “Tăng cường hoạt động kết nghĩa giữa các địa phương, đơn vị vùng đồng bằng với các địa phương vùng đồng bào DTTS”, đến nay, 237 cơ quan, đơn vị, DN của tỉnh được phân công kết nghĩa với 119 thôn, làng, khu phố của các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát.

Bằng tình cảm, trách nhiệm, các cơ quan, đơn vị đã thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể, ban quản lý thôn, làng, khu phố để nắm tình hình, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; vận động người dân nâng cao cảnh giác, kiên quyết không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục; tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động lớn do các cấp phát động…

Cùng với đó, các đơn vị, DN còn chú trọng giúp người dân thuộc địa phương kết nghĩa trong công tác giảm nghèo như xây dựng nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ cây giống, con giống, phân bón; hướng dẫn chăn nuôi, xây dựng mô hình “sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch”; tặng sổ tiết kiệm, đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho thanh niên…

Song song đó, các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp còn phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động người DTTS tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực xây dựng, phát triển KT-XH địa phương; ngăn chặn tình trạng tảo hôn, tự tử. Đồng thời, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân được chú trọng; kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân ngay từ cơ sở; hương ước, quy ước ở khu dân cư được xây dựng và thực hiện tốt.

Nhờ các giải pháp đồng bộ đó, trên địa bàn tỉnh không có hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, kích động bạo lực, lật đổ chính quyền nhân dân ở vùng DTTS và miền núi. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; KT-XH ngày càng phát triển, an sinh xã hội được chăm lo, tạo sự đồng thuận, thống nhất của nhân dân các dân tộc trên địa bàn với Đảng, chính quyền các cấp.


Tác giả: DUY ĐĂNG
Nguồn:baobinhdinh.vn Copy link

Tin nổi bật Tin nổi bật